
Cách đây chừng 15 năm, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã nghiên cứu ra một loại keo dính khá tốt, có thể tái sử dụng mà không bị khô trong môi trường tự nhiên. Một số người đã sử dụng loại keo này để bắt côn trùng gây hại, đặc biệt là dùng bẫy chuột khá hiệu nghiệm. Vì thế mà loại keo này “dính” luôn với tên gọi là keo dính chuột.
“Trung tâm công nghệ hóa màu” là trung tâm gì?

Sau khi tấp chiếc xe đạp vào lề đường Nguyễn Trãi, Hiếu “lùn” vội lắp băng, mở máy cassette. Một điệp khúc quảng cáo vang lên lanh lảnh: “Hưởng ứng phong trào ba diệt, trung tâm công nghệ hóa màu hân hạnh giới thiệu một loại sản phẩm mới đó là keo dính chuột. Keo dính chuột không gây độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, không ăn tay. Ngoài ra keo dính chuột có thể diệt ruồi, muỗi, gián … Đặc biệt keo dính chuột có thể sử dụng nhiều lần trong thời gian lâu nhất”.
Thế nhưng... Nghe tôi hỏi về cái gọi là “trung tâm công nghệ hóa màu”, Hiếu “lùn” mỉm cười tinh quái nói: “Làm gì có cái trung tâm nào gọi là trung tâm công nghệ hóa màu. Cho chú mày có đốt đuốc cũng không tìm thấy”. Theo trí nhớ của Hiếu “lùn” thì “khoảng 15 năm trước một nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chế ra một loại keo dính côn trùng gây hại. Sau đó, nó được một số người ăn cắp công nghệ và dùng để làm bẫy chuột”. Hồi đó, keo dính chuột có màu trắng nước gạo chứ không có vàng gạch hay nâu đen như bây giờ.
Hiếu “lùn” cho biết, hiện ở TPHCM có khá nhiều lò nấu keo, trong đó chủ yếu tập trung ở các huyện ngoại thành, như lò keo Kỳ Tình, Đạt Phong, Thành Công. Để minh chứng, Hiếu “lùn” đưa tôi tới cơ sở sản xuất keo dính chuột của bà T. “Cơ sở” của bà là một túp lều nhỏ nằm ở khu đất trống thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Cả xưởng như một bãi chiến trường với những thùng đựng hóa chất, những cái nồi lớn, những bao bì hộp keo và dụng cụ sinh hoạt cá nhân bày ngổn ngang. Một mùi hôi nồng nặc xộc vào mũi. 3 công nhân vừa nấu vừa đổ… hóa chất vào nồi. Nguyên liệu chính để làm keo là : mủ cao su, nhựa thông, dầu nhớt… Sau khi nấu chín, keo sẽ được quét lên những tấm bìa các tông hoặc đóng vào hộp và giao cho đội quân bán dạo. Mỗi ngày cơ sở của bà cung cấp cho thị trường hàng chục lít keo dính chuột.
Bám keo kiếm sống
Hiếu “lùn” là một trong những “lão làng” của đội quân hành nghề bán keo dính chuột dạo. Thời gian đầu mới vào Sài Gòn, Hiếu “lùn” làm nghề bán kính dạo và bơm gas hộp quẹt nhưng sau đó nghề này dần dần đông người làm, miếng ăn ngày càng thêm khó. Vừa lúc keo dính chuột bắt đầu xuất hiện trên thị trường nên Hiếu “lùn” chuyển qua bán keo dính chuột. Keo dính chuột có ưu điểm là dễ sử dụng, khá an toàn và chưa gây ngộ độc như những loại thuốc diệt chuột của Trung Quốc nên nhiều gia đình mua về sử dụng.
Tương tự, chị Hoa quê ở Quảng Ngãi cho biết, đã 5 năm nay chị theo nghề bán dạo keo dính chuột. Khu vực Hoa thường có mặt là trên cầu Điện Biên Phủ và ngã 5 Đài Liệt sĩ (quận Bình Thạnh). Trước đó chị gái của Hoa vào TPHCM và lập gia đình với một người thanh niên quê ở Thái Bình làm nghề bán keo dính chuột. Sau một thời gian, anh chị Hoa chuyển về quê sinh sống và truyền lại nghề cho Hoa để cô đi bán kiếm tiền thay chị phụ giúp bố mẹ và nuôi 3 đứa em ăn học ở quê.
Hoa cho biết, làm nghề này được cái dễ, chỉ cần chịu khó, người bán không cần trình độ học vấn, vốn ít, chỉ cần một chiếc xe đạp phía trước có gắn giỏ để đựng hàng, 1 máy cassette cũ, 1 bình ắc quy. Thu nhập so với làm ruộng ở quê thì đi bán keo khá hơn nhiều, mỗi tháng cũng trên dưới 2 triệu đồng. Ước tính ở TPHCM đội quân bán dạo keo dính chuột cũng gần trăm người là dân ở các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… hoặc ở các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định.
TIẾN ĐẠT