Trời sẩm tối. Rekha đứng ngồi không yên. Bà mẹ 34 tuổi, sống ở thủ đô Dhaka, Bangladesh, kiểm tra điện thoại liên tục để chắc rằng cô không bị lỡ cuộc điện thoại nào của cậu con trai 12 tuổi Rafi, lẽ ra phải có mặt ở nhà từ nửa giờ trước.
“Công việc này quá nguy hiểm. Mỗi sáng, sau khi nói lời tạm biệt con, tôi cầu xin Allah đưa thằng bé về nhà an toàn vào buổi tối”, Rekha nói.
Bà mẹ 2 con này lo lắng là có lý do. Trong hơn 1 năm làm việc tại nhà máy sản xuất thủy tinh ở địa phương, rất nhiều lần Rafi trở về nhà với cơ thể bầm tím và rướm máu. Có lần, khi cắt cửa kính, Rafi vô tình để dao cắt vào lòng bàn tay. Chỉ khi máu thấm đẫm chiếc áo thun của Rafi, chủ công ty mới đưa cậu bé đi cấp cứu. Nhưng không một ai gọi điện báo cho Rekha.
“Tôi thấy mình thật tồi tệ, một người mẹ không tốt. Tôi biết Rafi không muốn làm việc đó. Nó muốn được đến trường, muốn được đi học”, Rekha xót xa chia sẻ.
Rafi là một trong hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động, theo báo cáo mới nhất của ILO và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc. Hơn một nửa trong số này ở độ tuổi từ 5-11. Số lao động trẻ em đã tăng thêm 8,4 triệu trẻ chỉ trong vài năm qua. Trẻ em làm việc nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm đến 70%. Theo ILO, lao động trẻ em là công việc “tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em, có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần”.
Bà Jacqueline Mugo, Phó Chủ tịch khu vực của Tổ chức Người sử dụng lao động quốc tế và Giám đốc điều hành của Liên đoàn Người sử dụng lao động Kenya, cho hay, các nguyên nhân sâu xa của tình trạng lao động trẻ em bao gồm nghèo đói, hạn chế tiếp cận giáo dục, yếu kém hoặc thiếu bảo trợ xã hội, thiếu thanh tra lao động và quản lý yếu kém.
“Trách nhiệm của chúng ta là làm tất cả những gì có thể để đảo ngược xu hướng này. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, khi chúng ta tiếp tục vật lộn với tác động của dịch Covid-19, đối mặt với căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng và sự tăng giá phi mã do xung đột gần đây giữa Nga và Ukraine. Những thách thức này không phải là không thể vượt qua. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta đã không thể hiện ý chí cần thiết hoặc theo đuổi các hành động tập thể toàn diện cần thiết để giải quyết”, bà Mugo nói.
Đồng tình với bà Mugo, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, sẽ có khoảng 8,9 triệu trẻ em bị cưỡng bức lao động vào cuối năm nay do những tác động của đại dịch Covid-19, vốn đã và đang làm sâu sắc thêm đói nghèo, bất bình đẳng và kém phát triển trên toàn thế giới.
Tổng thống Nam Phi tuyên bố: “Không một nền văn minh nào, không một quốc gia nào và không một nền kinh tế nào có thể tự coi là đi đầu trong sự tiến bộ nếu sự thành công và sự giàu có của họ được tạo dựng từ những đứa trẻ”.
Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em diễn ra từ ngày 15 đến 20-5. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước châu Phi. Dự kiến, hội nghị kết thúc với việc thông qua kêu gọi Hành động Durban về xóa bỏ lao động trẻ em, nhằm mục đích tạo ra một cam kết mới và tăng tốc giữa các chính phủ cùng các bên liên quan hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. |