Phút cận kề
Tường ngăn với nửa phần trên là kính, từ phòng quan sát khu điều trị qua camera, chúng tôi thấy rõ những dãy giường bệnh nhân. Một ca đang nguy kịch, bác sĩ Vinh (Bệnh viện Trung ương Huế) đứng dậy hướng mắt vào qua lớp kính, các y, bác sĩ bên trong nhồi tim liên tục cho bệnh nhân… Bệnh nhân ngưng tim lúc 16 giờ 20 phút. Trong đôi mắt anh, nỗi buồn hiện rõ: “Đau lắm em, không cứu được bệnh nhân rồi, ca này đã ngưng tim mấy lần trong ngày”.
“Khi nhồi tim phải dùng một lực lớn lắm, lực ấn xuống càng mạnh thì phản xạ lại cũng lớn, dịch trong người bệnh nhân bắn ngược lại vào đồ bảo hộ, kính chống giọt bắn rất nhiều. Và khi nhồi tim như vậy, dùng lực nhiều rất mệt mà càng mệt thì sức đề kháng sẽ giảm, những lúc đó ai cũng hiểu nguy cơ lây nhiễm cao nhưng vẫn làm tới cùng để cứu bệnh nhân thôi”, anh chia sẻ, rồi tiếp tục với công việc đang chờ.
Hơn một tháng ròng rã nơi này, khu vực bác sĩ Phan Lê Hiếu (Bệnh viện Trung ương Huế) có mặt từ lúc bệnh viện thi công để cùng thiết kế các khu điều trị, vận hành… là ICU, bệnh nhân nằm khu vực này cũng không biết được ngày mai hay cái chết sẽ đến trước.
“Chỉ có y, bác sĩ và bệnh nhân với nhau, thấy thương họ lắm. Ai cũng mong có gia đình, người thân kề cận lúc ốm đau, nhưng bệnh này phải chịu, lúc nào ê kíp cũng cố gắng hết mình, chăm sóc ân cần để họ bớt lo lắng, bớt sợ hãi khi đối mặt với bệnh tật. Phút cận kề sinh tử, dẫu biết hy vọng mong manh hay nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi vẫn cố gắng hết mình, lúc nào cũng muốn cứu bệnh nhân cho bằng được”, bác sĩ Phan Lê Hiếu tâm sự.
Tầng điều trị cao nhất, gần như huy động mọi thiết bị y tế hiện đại nhất, thuốc hỗ trợ điều trị cao cấp nhất và đội ngũ chuyên môn giỏi nhất. “Để bệnh nhân rời khỏi vòng tay mình xót xa lắm. Bệnh này diễn tiến rất nhanh, ca làm việc hôm nay mình còn thấy họ nhưng tới ca làm việc sau thì đã không còn…”, điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Bệnh viện Trung ương Huế) đau đáu.
Dãy giường gần với phòng camera quan sát là ICU, tiếp đến là dãy những ca nặng, cuối cùng là những bệnh nhân nhẹ và sắp ra viện. Chỉ tay vào màn hình camera dãy cuối, những bệnh nhân đang tập thể dục, giọng bác sĩ Hiếu nhẹ nhõm hẳn: “Ra tới đây rồi, không biết bệnh nhân có kịp mừng chưa chứ chúng tôi mừng lắm, vì cứu được họ rồi, giống như một sự hồi sinh vậy đó”.
“Những người sống vì mọi người”
Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM gồm 5 ê kíp: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Khu điều trị của Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế quản lý tại quận Tân Phú (TPHCM) được chia làm 3 khu vực điều trị: Khu A (màu đỏ thẫm) là nơi điều trị bệnh nhân nguy kịch; khu B (màu đỏ nhạt) - nơi điều trị cho bệnh nhân nặng; khu C và D (màu vàng và màu vàng nhạt) tương ứng với nơi người bệnh thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện.
Ở khu ICU (khu vực bệnh nhân nặng được điều trị tích cực), nhìn bệnh nhân H.T.O. (41 tuổi, quận 7, TPHCM), điều dưỡng Phạm Thị Hằng, Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện C Đà Nẵng, kể: bệnh nhân O. được đưa vào trung tâm đã 4 ngày, lúc mới nhập viện còn gọi điện nói chuyện được với người thân.
Chỉ 2 giờ sau, bệnh nhân bắt đầu trở nặng, hôn mê sâu. Đến ngày thứ 3, tình trạng bệnh nhân đã tốt hơn khi chỉ số SpO2 tăng từ 60% lên 75%. “Tôi thấy được dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, thực sự rất vui”, điều dưỡng Hằng nói.
Phía khu B - nơi bệnh nhân thoát hồi sức chỉ cách “vùng đỏ thẫm” một vách ngăn, trong tiếng tít tít của máy thở, monitor, những đồng nghiệp của điều dưỡng Hằng, người cẩn thận gội đầu cho bệnh nhân, nhóm khác vừa đỡ lưng vừa khích lệ người bệnh tập thở.
Tiếng kỹ thuật viên Nguyễn Xuân Tân, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Trung ương Huế, nhẹ nhàng khích lệ người bệnh: “Hít vào… hít thở đi bà. Đúng rồi… hít vào… thở ra… hít vào”. Ở khu C, từng nhóm 3-6 bệnh nhân đang thực hiện các bài tập thể dục nâng cao sức khỏe do kỹ thuật viên Hoàng Tiến Hoàn hướng dẫn. Đã có những tiếng cười khỏe khoắn...
Cụ Nguyễn H. (95 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), bệnh nhân cao tuổi nhất ở đây, có sự hồi phục kỳ diệu. Ngồi trên giường, cụ vận động cơ thể thông qua việc cầm hai chai nước suối rồi tập theo bài đã được kỹ thuật viên Hoàn hướng dẫn. Các bác sĩ dự tính khoảng 3 ngày nữa, cụ sẽ được xuất viện trở về với người thân. Ít ai biết rằng, ngày mới chuyển đến, tình trạng của cụ H. như “chỉ mành treo chuông”.
Cách đó không xa, bà Hồ Thị N. (54 tuổi) và con gái Phan Hồ Hồng N. (22 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) rất vui khi hai mẹ con đã thoát cửa tử, chuẩn bị được trở về với gia đình. Bà N. kể, nhiều lúc bà không thể thở được, cảm giác như trái tim mình bị ai đó bóp nghẹt, muốn buông xuôi. Thế nhưng, mỗi khi hồi tỉnh, mở mắt ra bà đều thấy bác sĩ, điều dưỡng cạnh bên, động viên tận tình. Nhờ vậy, mẹ con bà khỏe lên mỗi ngày.
Bà N. bảo, mỗi khi ngoảnh đầu nhìn về hướng khu A-B, bà lại thấy mình thật sự may mắn. “Tận trong trái tim, tôi mang ơn tất cả bác sĩ, điều dưỡng đã không quản ngại ngày đêm cứu chữa cho hai mẹ con được mạnh khỏe”, bà N. bày tỏ.
Tham gia nhiều “trận chiến Covid-19” như Đà Nẵng, Bắc Giang, nhưng chưa ở đâu đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế lại thấy khốc liệt như lần này. Điều dưỡng Nguyễn Thành Trung, điều dưỡng phó phụ trách khu điều trị bệnh nhân thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện tại trung tâm, chia sẻ: “Nếu hỏi chúng tôi hôm nay là thứ mấy, ngày mấy, có khi lại trả lời sai… vì chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về thời gian nữa. Một ca trực là một núi công việc, khi cởi bộ đồ bảo hộ, ai nấy đều ướt sũng như vừa đi từ trong mưa bão ra. Lúc này chúng tôi, tất cả chỉ có biết chiến đấu - chiến đấu và hy vọng”.
Đúng như điều dưỡng phó chia sẻ, một núi công việc được các anh chị thực hiện, bao gồm cả chăm sóc thể chất và tinh thần cho người bệnh. Với bệnh nhân nặng, phải thở máy, 2 ngày/lần, điều dưỡng sẽ gội đầu, vệ sinh… Việc này giúp cho bệnh nhân không những cảm thấy thoải mái, mà còn giảm nguy cơ nhiễm trùng. Người bệnh không chỉ được cho ăn 3 bữa chính/ngày và 3 bữa phụ xen kẽ, đối với bệnh nhân nặng còn có suất ăn lúc 20 giờ đêm qua ống sonde.
Hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Thanh Trà (Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới) kể: “Công việc thường ngày của tôi là báo tin vui, vì mình làm ở sản phụ khoa mà. Bây giờ tôi phụ trách phần giấy tờ tiếp nhận bệnh nhân và hoàn tất thủ tục cho những ca tử vong. Có lúc báo về gia đình, người thân của họ khóc mà mình cũng không kìm được nước mắt. Có người mất tuổi đời bằng tuổi của tôi, lại nghĩ mà thương, chắc chắn họ cũng có một gia đình nhỏ, có những đứa con có thể bằng tuổi con mình… không biết mai này thế nào”.
Chị Thanh Trà cho chúng tôi xem một đoạn video đơn giản, là những hình ảnh từ lễ xuất quân tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới được ghép lại trên nền nhạc Một đời người một rừng cây. Có hình ảnh ghi lại những ngày đầu thành lập trung tâm, các anh chị lau dọn sàn nhà, khuân vác thiết bị để mọi việc hoàn thành nhanh nhất.
Có lẽ mai này khi gian khó qua đi, người ta sẽ nhớ mãi những đoàn y, bác sĩ sẵn sàng gác lại niềm riêng, tình nguyện đi vào tâm dịch. Những khuôn mặt chưa rõ nụ cười, chỉ biết giọng người miền Bắc - Trung - Nam… Để kết lại vệt bài Sự sống từ những ngày “mưa bão”, chúng tôi xin dành sự trân trọng và tri ân đội ngũ nhân viên y tế - “những người sống vì mọi người".
Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM như một miền Trung thu nhỏ cùng thành phố chống dịch. Thấy chúng tôi để ý mọi người đều để tóc ngắn ngủn, điều dưỡng Thảo Nguyên nói: “Tóc chị dài tới ni nè, mà đi chống dịch chị cắt ngắn rồi”. Chị may mắn được gia đình ủng hộ, ông xã ở nhà chăm đứa con 29 tháng để chị đi chống dịch: “Ông xã cũng hay nhắn tin động viên - bà xã cố lên”. |