Sự sống từ những ngày mưa bão - Hai màu áo xanh

“Bữa nay có một gia đình F0 đến hẹn test lại, nếu đủ điều kiện thì viết giấy hoàn thành cách ly luôn và một gia đình F0 cần thăm khám. Có phát sinh thì liên lạc qua điện thoại nhé!”. 

Sau lời dặn dò của bác sĩ Bùi Văn Tuấn (Bệnh viện Quân y 103) trực tác chiến tại Trạm y tế lưu động số 27 (thuộc phường 25, quận Bình Thạnh), chiếc xe máy lỉnh kỉnh túi thuốc và dụng cụ cùng 2 nhân viên y tế bắt đầu công việc trong một ngày chăm sóc và theo dõi F0 điều trị tại nhà ở TPHCM.

Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau


Khi chúng tôi đến Trạm y tế lưu động số 27, Trung sĩ Nguyễn Văn Công (22 tuổi, học viên năm thứ 4 Học viện Quân y), cùng đồng đội đã mặc xong bộ đồ bảo hộ phòng dịch kín mít, đi nhanh về phía các bạn tình nguyện viên. Chỉ cách đây ít phút, các anh nhận thông tin một gia đình tại khu Tân Cảng, người vợ đang hoảng loạn sau khi tự test nhanh Covid-19 có kết quả dương tính. Chưa kịp hỏi chuyện làm quen, chúng tôi bám theo chiếc xe. Xuyên qua từng con hẻm, loanh quanh chừng 10 phút thì đến được nhà người bệnh. 

Cửa mở, sau khi thăm hỏi người bệnh qua điện thoại, Trung sĩ Nguyễn Văn Công động viên: “Giờ em sẽ test nhanh Covid-19 cho chồng và 2 con của chị. Sau đó, chị xuống dưới nhà để em test luôn nhé”.
Chị Nguyễn Thị S. kể, 3 ngày trước, chị thấy mệt mỏi, đau nhức toàn thân, cứ nghĩ do trúng gió nên mới bị vậy, vì từ lúc thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cả nhà chị không giao tiếp với người ngoài. Đến tối 7-9, nằm ngửa không thở được, chị S. test nhanh Covid-19 thì biết mình dương tính với virus SARS-CoV-2. Chị S. hoảng loạn, gọi điện tới đường dây nóng của trạm y tế lưu động, lo lắng trạm quá tải, bác sĩ không tới được. “Tôi mừng lắm khi bác sĩ báo kết quả test nhanh của 3 cha con âm tính, rồi hướng dẫn cặn kẽ cho tôi cách uống thuốc, tập thở tại nhà”, chị S. nói.
Sự sống từ những ngày mưa bão - Hai màu áo xanh ảnh 1 Thành viên Trạm y tế lưu động số 27 lấy mẫu xét nghiệm cho người nhà của chị Nguyễn Thị S.. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong mô hình điều trị Covid-19 tại TPHCM, số bệnh nhân điều trị tại nhà thường nằm trong độ tuổi trẻ, đa phần không có triệu chứng, bệnh nền và đã tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine… Có cuộc gọi chỉ sau vài câu trấn an, đầu dây bên kia bệnh nhân đã vững tâm hơn hẳn. “Khi biết mình là F0, người bệnh sợ nhất là bị bỏ rơi, những lúc đó, tôi trấn an tinh thần cho bệnh nhân trước, rồi gửi ngay túi thuốc, để lại số điện thoại kết nối qua mạng xã hội Zalo, gọi video call theo dõi từ xa, giúp mọi người an tâm, không ai bị bỏ rơi hết”, bác sĩ Bùi Văn Tuấn (Bệnh viện Quân y 103) trực tác chiến tại Trạm y tế lưu động số 27, chia sẻ.

Ngày 24-8, bác sĩ Tuấn vào TPHCM và tiến hành công việc ngay. Trạm y tế lưu động số 27 có 3 thành viên, gồm bác sĩ Tuấn và 2 học viên thuộc Học viện Quân y, nhưng danh sách F0 mà trạm tiếp nhận là 198 ca. Bác sĩ Tuấn kể: “Ban đầu cũng hơi lo, có ngày qua test nhanh phát hiện hơn 100 ca F0. Cả nhóm cố gắng, vừa làm chuyên môn vừa làm danh sách để theo dõi, tìm cách kết nối qua điện thoại để điều trị từ xa cho bệnh nhân, hướng dẫn mọi người tập thở”. Theo bác sĩ Tuấn, với phần việc ngày mai, thì tối nay đã được các anh lên kế hoạch, bệnh nhân này cần tới test lại, bệnh nhân kia cần thăm khám… 

Bác sĩ Bùi Văn Tuấn (đứng, Bệnh viện Quân y 103) triển khai công việc cùng hai học viên 
Học viện Quân y tại Trạm y tế lưu động số 27 . Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đối mặt với dịch bệnh, y bác sĩ chính là lá chắn cho bệnh nhân, bởi thế mà những ngày đầu nhận việc, ngày cũng như đêm, các cuộc gọi không ngớt. Có bệnh nhân vì lo lắng, hết gọi điện thoại đến nhắn tin. Bác sĩ Tuấn kể: “Chỉ số SpO2 của bệnh nhân rất tốt, nhưng họ sợ thiếu oxy nên cứ gọi xin sẵn một bình trữ trong nhà, có người sợ hết thuốc nên xin thêm túi thuốc”… 

3 thành viên Trạm y tế số 27 cùng 3 thành viên đội ATM oxy nghỉ tạm tại một nhà văn hóa thuộc phường 25, quận Bình Thạnh. Những chiếc giường tầng kê gọn gàng, xung quanh chỗ các anh ngả lưng, hành lý cá nhân gọn nhẹ, chỉ vài chiếc áo xanh, màu xanh của áo y bác sĩ và màu xanh quân phục, còn lại là những túi thuốc, bình và van oxy, dụng cụ bảo hộ... “Điều kiện sinh hoạt như thế này quá thoải mái, bộ đội mà, điều kiện dã chiến, thiếu thốn một chút cũng không sao”, bác sĩ Tuấn nói.


Và khi Tổ quốc cần, họ chấp nhận hy sinh. Trong cuộc trò chuyện, anh không nhắc về nỗi nhớ nhà, chỉ có công việc cùng đồng nghiệp. Bác sĩ Tuấn trải lòng: “Có đồng nghiệp của tôi đi chống dịch đã 6 tháng chưa về nhà, có một bác sĩ phải chịu tang cha từ xa. Mình là dân trưởng thành trong quân đội, nên chuyện xa nhà cũng đã quen và “hậu phương” của mình cũng đã quen với điều đó”.

Được “ngủ đủ giấc”

Giữa trưa 8-9, trời nắng gắt, 2 bác sĩ quân y của Trạm y tế lưu động số 1 (xã Bình Hưng, Bình Chánh) nhanh chóng lên xe tìm tới nhà người bệnh. Cuộc gọi đến đường dây nóng cách đó 10 phút, thông tin: Một bé trai bị bại não, mắc Covid-19 có dấu hiệu khó thở. 

Thành viên Trạm y tế lưu động số 1 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) thăm khám một bệnh nhi bị bại não, mắc Covid-19, tại khu vực rạch Bồ Hề, huyện Bình Chánh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Băng qua giao lộ Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng, chạy tiếp khoảng 2km trên con đường tráng bê tông rộng hơn 3m vào ấp 1A, hai bên là những căn nhà lụp xụp. Đến đầu hẻm A34, bất ngờ một thanh niên không đeo khẩu trang chạy xe máy tốc độ cao lao ra, phải cẩn thận lắm Trung úy - bác sĩ Mai Lê Hoàng Vĩnh (Học viện Quân y, Trưởng trạm Y tế lưu động số 1) mới không bị đụng trúng.

Tới trước căn nhà tối um số A34/20, anh nhanh chóng cùng đồng đội tiến vào, giữa căn phòng rộng chưa tới 20m2, nằm trên chiếc giường gỗ ọp ẹp là một bé trai bị bại não, miệng liên tục ú ớ. Mất gần 30 phút thăm khám, cùng các biện pháp trợ thở, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của cháu bé từ 87% được cải thiện lên 95%, Trung úy - bác sĩ Vĩnh thở nhẹ, hướng dẫn ba mẹ bé cách tự test nhanh Covid-19 tại nhà rồi lên xe cùng đồng đội ngược về tổ 118, ấp 2.

Trung sĩ Tạ Quang Duy, ngồi phía sau xe Trung úy - bác sĩ Vĩnh, nói với sang xe chúng tôi qua lớp kiếng chống giọt bắn và khẩu trang dày cộp, rằng những lần đi lấy mẫu xét nghiệm, tới nhà điều trị bệnh nhân Covid-19, anh không tin được ở xã Bình Hưng lại có nhiều xóm trọ nghèo đến thế. Ngày 7-9, khi xin được 14 phần cơm chay mang tới cho một số gia đình mắc Covid-19, bất chợt Trung sĩ Duy nhìn thấy một cậu bé xanh rớt, không mặc áo, đang lang thang trên đường.

“Dừng xe, tôi bắt chuyện làm quen và biết tên cháu là Huỳnh Văn Lại (15 tuổi), nhà có 8 người. Trong nhà hết gạo ăn, đói quá em liều đi ra đường xem có ai cho gì thì mang về cho gia đình. Tiếp cận nhiều hộ thuê trọ ở các khu ổ chuột, những đứa trẻ lấm lem bùn đất, nơi mà tôi nhận thấy quần áo mới, sách vở đến trường của các em thật sự quá xa vời. Câu nói của anh em Lại cứ văng vẳng bên tai tôi, như thắt lại: “Chúng con thèm đi học lắm, chú bộ đội cho tiền con đi học nha chú!”.


Trung úy Mai Lê Hoàng Vĩnh cùng 2 cộng sự là sinh viên năm cuối học viện được phân công về xã Bình Hưng, phụ trách Trạm y tế lưu động số 1 đặt tại Trường Mầm non Thủy Tiên (số 2, đường 88, Khu dân cư Dương Hồng). Đây là địa bàn rộng với 12 ấp dân cư, nhiều khu trọ ổ chuột và có số dân lên tới trên 110.000 người. Có thời điểm, số ca F0 ở đây lên tới 5.000 người. 

Trung úy - bác sĩ Vĩnh cho biết, trước khi học sau đại học tại Học viện Quân y, anh công tác tại Bệnh viện 7A - Quân khu 7 và nhà cũng ở xã Bình Hưng, bản thân đã nắm cơ bản về tình hình dịch bệnh của địa phương nên anh đề xuất ngay với xã cho tiến hành kiểm soát và điều trị F0 song song với test nhanh Covid-19. Nhờ sự hỗ trợ tích cực của lực lượng y bác sĩ tăng cường đến từ Bệnh viện Thái Nguyên, Đại học Y tế cộng đồng, Cao đẳng Y Bạch Mai và các lực lượng khác, chỉ riêng trong tuần qua, khi test nhanh Covid-19, có ngày truy vết tới 200 ca F0/10 ấp. Từ đó, sàng lọc và kiểm soát được 496 trường hợp F0 đủ điều kiện được theo dõi, điều trị tại nhà, số còn lại đưa đi cách ly điều trị.

Trung úy - bác sĩ Vĩnh nhẩm tính, đã nhiều ngày qua, anh và đồng đội vẫn đảm bảo được ngủ đủ giấc. “Ngủ đủ giấc” mà anh nói đến là tổng thời gian chợp mắt. Có nghĩa là cứ hết ca trực, bất kể giờ nào, đặt lưng xuống là ngủ một mạch. Có khi một giấc chỉ 30 phút, rồi có ca bệnh lại chạy như bay đi cấp cứu… 

Nơi tuyến đầu, dù ở tầng điều trị nào, hay theo dõi bệnh nhân tại địa phương, lực lượng y bác sĩ chính là lá chắn giữ sự an toàn cho các bệnh nhân. Giữa TPHCM, những ngày dịch bệnh, màu áo xanh của y bác sĩ, màu áo xanh của lực lượng quân y… vẫn ngời hy vọng về một ngày mai bình an. 

Xa nhà chưa biết ngày về, áp lực tâm lý khi có cuộc gọi, bệnh nhân “xả” giận, có cuộc gọi cần hỗ trợ nhưng khi đến nhà lại bị từ chối…, những điều đó, không làm các anh nản lòng. “Như là sứ mệnh của bọn mình rồi, 2 bạn học viên của Trạm y tế lưu động số 27 viết đơn tự nguyện lên đường tham gia chống dịch, tinh thần của ai cũng sẵn sàng, mong chung tay cùng thành phố nhanh chóng vượt qua những ngày khó khăn này”, bác sĩ Tuấn bày tỏ.

Cùng với 2 điểm nóng trên, đã có hơn 4.000 y bác sĩ quân y đang hỗ trợ TPHCM điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ làm việc tại các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19 và tại 414 trạm y tế lưu động/312 phường xã, thị trấn… 

Tin cùng chuyên mục