Các đường đứt gãy
Theo người phát ngôn của IMF Julie Kozack, thể chế tài chính này đã nhận thấy một số dấu hiệu ban đầu về chiến lược “giảm rủi ro” và sự phân mảnh trong dữ liệu mà IMF đang xem xét. Một số khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang ngày càng chảy vào các quốc gia có liên kết địa chính trị, trong khi các biện pháp hạn chế thương mại có xu hướng tăng lên trong khoảng 5 năm qua.
Hãng tin THX ngày 11-1 dẫn lời bà Kozack cho biết, trong lúc đánh giá tác động kinh tế của các chiến lược giảm rủi ro, đội ngũ của IMF đã phát hiện một số chiến lược này tiềm ẩn lực cản đối với sự tăng trưởng. Đơn cử như việc GDP toàn cầu có thể giảm 1,8% trong một số trường hợp nhất định. Bà Kozack lưu ý trong trường hợp chiến lược giảm rủi ro mang tính cực đoan hơn, GDP toàn cầu có thể giảm 4,5%.
Trước đó, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath, nhận định, thiệt hại có thể lên đến 7% GDP toàn cầu nếu nền kinh tế thế giới chia thành hai khối, chủ yếu là Mỹ với châu Âu và Trung Quốc với Nga. Hãng tin Reuters ngày 12-1 dẫn dữ liệu của hải quan Trung Quốc cho biết, thương mại hai chiều của Trung Quốc với Nga vào năm 2023 đạt 240 tỷ USD, lập thêm một kỷ lục mới, khi hai nước thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn ngay cả khi xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Trong khi Nga tăng cường thanh toán bằng đồng nhân dân tệ (NDT) cho hàng nhập khẩu trong bối cảnh bị phương Tây trừng phạt, Trung Quốc cũng tăng cường sử dụng đồng NDT để mua hàng hóa của Nga. Dữ liệu hải quan cho thấy, tính theo đồng NDT, giá trị thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nga đứng ở mức 1,69 ngàn tỷ NDT (235.90 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguy cơ thụt lùi
Theo số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), khoảng 3.000 biện pháp hạn chế thương mại đã được áp dụng vào năm ngoái trên khắp thế giới - gần gấp 3 lần số lượng được áp dụng vào năm 2019. Nếu sự phân mảnh ngày càng sâu sắc, các biện pháp hạn chế thương mại ngày càng nhiều, thế giới có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Hàng hóa trung gian là thước đo sức khỏe của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự phân mảnh như vậy tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng có thể ảnh hưởng lớn hơn đến khả năng phục hồi và an ninh kinh tế trong nước. Nếu không được quản lý hợp lý, chi phí có thể dễ dàng lấn át những lợi ích này và có khả năng đảo ngược gần ba thập kỷ hòa bình, hội nhập và tăng trưởng đã giúp hàng tỷ người thoát nghèo.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo, việc cho phép nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phân mảnh có thể khiến GDP toàn cầu thiệt hại nhiều hơn nữa. Bà Georgieva cho rằng cần giảm bớt xung đột và mâu thuẫn, tập trung giải quyết những mối quan ngại an ninh thực tế và có ý nghĩa, không thúc đẩy việc tách rời giữa các nền kinh tế trên thế giới để đảm bảo mỗi quốc gia đều được hưởng lợi ích dù khiêm tốn hơn.