Đấy là thời kỳ đất nước ta còn muôn vàn khó khăn. Tôi còn nhớ dù đã là phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), cô Hà vẫn thường xuyên đến cơ quan bằng chiếc xe Mobylette “cà cộ”. Đã thế khi trở về nhà, phía sau xe thường chất đầy… rau mà cô mua ở căng tin cơ quan mang về để… nuôi heo tăng gia.
Khi cô đã hơi luống tuổi, việc đi lại bằng xe Mobylette không còn an toàn, tôi đã tình nguyện đưa đón cô đến cơ quan bằng xe máy. Hàng năm cứ đến sinh nhật chú Giáp, hoặc sinh nhật của cô Hà, nhóm chúng tôi thường tụ tập đến nhà mừng sinh nhật cô, chú.
Về chuyên môn, tôi làm dân tộc học, còn cô Hà nghiên cứu về lịch sử. Thế nhưng, cô đã chỉ bảo cho tôi rất nhiều điều bổ ích.
Tôi vẫn nhớ cô từng chia sẻ: "Cháu làm dân tộc học thì chất liệu để làm nên các bài viết là tư liệu điền dã. Tuy nhiên khi viết mà chỉ kể câu chuyện điền dã thì bài viết sẽ nhàm chán. Thế nên, cháu phải đọc sách, đọc rất nhiều sách để khi viết phải dùng kiến thức lý thuyết diễn giải nguồn tài liệu điền dã, gọi là viết tương tác, thế thì bài viết mới hấp dẫn. Nhưng, giữa một biển tài liệu mênh mông, một cá nhân khó lòng có điều kiện để đọc hết. Do đó, đọc ai, đọc tác phẩm nào cho tập trung thì cháu phải lựa chọn; khi chưa có đủ phông kiến thức để chọn thì hỏi các bậc thầy. Đặc biệt là khi trích dẫn lại càng phải chọn, bài viết nào trích ai và trích trong tác phẩm nào lại càng cần lựa chọn kỹ lưỡng. Ví dụ, lý thuyết về xã hội cổ đại phải trích Engels, lý thuyết hình thành giai cấp phải trích Karl Marx; về thời kỳ Hùng Vương phải trích của Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...".
Cho đến nay, tôi cảm thấy những chỉ bảo chuyên môn của cô Hà vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi cũng còn nhớ một lần khi cô Hà được ông Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ), Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum mời vào thăm và làm việc, cô đã chọn tôi “tháp tùng”. Đấy là một chuyến đi khá dài (khoảng 10 ngày) thật lý thú và rất có ích cho tôi.
Ngoài tác phong làm việc của một trí thức, cô còn uốn nắn tôi trong cách giao tiếp xã hội, từ giao tiếp với các chính khách, giao tiếp với bạn bè đồng nghiệp, trong đó có cách giao tiếp với các học giả nước ngoài. Cô cũng dạy tôi cách giao tiếp với phụ nữ ở các lứa tuổi khác nhau. Đó là những điều vô cùng hữu ích đối với một nhà nghiên cứu dân tộc học.
Cũng chuyến đi ấy, về chuyên môn, cũng chính cô Hà đã khuyên tôi tìm hiểu sự bang giao ở khu vực cao nguyên Đông Dương (Tây Nguyên Việt Nam, Đông Bắc Campuchia, Nam Hạ Lào, cao nguyên Cò Rạt của Thái Lan và một phần của Myanmar).
Thật may mắn, chính ông Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ) là một nhân chứng đích thực của đề tài mà cô Hà gợi ý. Là một người con của dân tộc Gia Rai, khi còn trẻ, ông Ksor Krơn đã tham gia các đoàn hành hương. Những đoàn voi (khoảng 20 con) đã chở muối từ Tây Nguyên Việt Nam, xuyên qua Lào đến Myanmar để đổi cồng, chiêng, ché và các thứ khác trở về Tây Nguyên…
Cũng nhờ chuyến đi ấy với cô Hà, khi lên Kon Tum, các cha cố đã kể cho chúng tôi nghe quá trình họ từ Bùi Chu, Phát Diệm vào Tây Nguyên và quá trình phát triển của Công giáo ở Kon Tum, đặc biệt là Công giáo với cách mạng kháng Pháp chống Mỹ. Với kinh nghiệm của một người chuyên đi điền dã, tôi cảm nhận được rằng nhờ sự kính trọng của các cha cố đối với cô Hà, nên tôi đã được nghe những câu chuyện rất thật ấy.
Về sự thâm trầm, sâu sắc của cô Hà, tôi rất nhớ một câu chuyện nữa. Năm 1993, tôi may mắn được sang Anh tham dự hội thảo Thái học quốc tế lần thứ 3, khi trở về, cô hỏi: “Cháu thấy London so với Paris thì như thế nào?”. Bởi là lần đầu tiên được đến thủ đô London lại được công chúa điện hạ chiêu đãi trong cung điện nên tôi bị choáng ngợp. Hơn thế, hồi đó tôi cũng chưa tới Paris.
Khi ở London, tôi hỏi một đồng nghiệp đến từ Pháp câu hỏi tương tự như cô Hà hỏi tôi. Bạn trả lời, đại loại London là thủ đô hiện đại, là trung tâm tài chính quốc tế, còn Paris chỉ là thủ đô văn hóa nên nó không hào nhoáng như London. Tôi bèn lấy ý bạn để trả lời bừa.
Cô Hà mắng yêu: “Ôi cái cậu “cà cộ” này. Hãy đến Paris - thủ đô ánh sáng của châu Âu để có hiểu biết thêm cháu nhé”. Sau này, tôi mới biết cô Hà say mê văn hóa Pháp đến thế nào. Kể cả khi cô đã về hưu, mỗi lúc có dịp gặp nhau cô lại hỏi: “Thế nào, cháu đã tới Paris chưa?”.
Để kết thúc, xin mượn lời của bạn Kiều Mai Sơn dẫn lời ông Phạm Nguyên Long, một học giả cùng học và làm việc lâu dài với cô. Đại ý, cô Đặng Bích Hà hội đủ mọi tố chất để trở thành một học giả lớn, tên tuổi, nhưng lịch sử lại đặt lên vai cô một sứ mệnh khác - sứ mệnh làm phu nhân của một vị tướng kiệt xuất. Cô đã hoàn thành rất xuất sắc sứ mệnh của mình.
Chúng tôi may mắn và rất tự hào được làm học trò, làm cán bộ cùng cơ quan với một người cô, người mẹ, người chị nhân từ, độ lượng và bao dung. Nay cô đã về với chú Giáp, cầu mong cô, chú an yên trên cõi hạc!