Chuyện “phòng the” của chuột
Cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 20km về phía Nam, Trại chăn nuôi Suối Dầu (thuộc Viện IVAC) đang nuôi một đàn chuột có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Những chú chuột ở đây hết sức đặc biệt, được nuôi dưỡng trong quy trình chặt chẽ, khép kín và gánh trên vai một sứ mệnh rất nặng nề, đó là làm vật thí nghiệm trong các nghiên cứu y học.
Gắn bó 20 năm với nghề nuôi chuột, kỹ sư Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu, tường tận đặc tính của từng loại chuột cũng như hiểu tính cách của từng con, từng giống. Kỹ sư Thu Hà cho biết, những chú chuột lang ở đây rất đáng yêu. Một đặc tính của chuột lang là rất sung sức. Một chú chuột lang “chồng” có thể phục vụ 8-10 “cô vợ” mà vẫn đảm bảo lứa chuột con đầy chất lượng. Trong khi đó, chuột nhắt có phần yếu thế hơn, một chuột đực có thể giao phối 2-3 chuột cái.
Tại trại nuôi chuột của IVAC, chuột được chia làm 2 khu: một dãy dài các ô được bố trí tựa như chuồng gà để nuôi chuột lang và một căn phòng lớn với dãy ô nhựa dùng để nuôi chuột nhắt. Mỗi ô nuôi chuột lang được lót bằng lưới mắt nhỏ, đủ để phân rơi xuống dưới, phía trên có ngăn đựng đồ ăn, hệ thống nước uống tự động, chỉ cần chuột ngậm vào vòi là có nước.
Theo bố trí, một ô chuột gồm 8-10 con chuột bố mẹ và 1 đàn chuột con. Riêng với chuột lang, do sở hữu màu sắc rất đẹp, nên được các cán bộ trại chăm sóc tận tình. Chuột lang bố mẹ có trọng lượng khoảng 500-700g và không có đuôi, lông dày, mượt. Thức ăn của các chú chuột là thức ăn tinh do trại sản xuất, lúa mầm để tăng khả năng sinh sản. Riêng chuột lang còn phải bổ sung thêm cỏ.
Đối với chuột nhắt, dù giống nhỏ hơn, trọng lượng con trưởng thành khoảng 45-50g, nhưng chúng có những cá tính riêng. Chuồng nuôi chuột nhắt chỉ được lót trấu, nắp lồng được bố trí nước và thức ăn. So ra, cách chăm chuột nhắt dễ và đơn giản hơn chuột lang, nhưng loại chuột này rất khó chịu, nhất là chuột cái thời điểm đẻ con. Lúc này, chuột mẹ đều phải nhốt riêng để nuôi con, nếu nhốt chung, chúng sẽ cắn con của những con khác. Thời gian mang thai của chuột nhắt khoảng 18-21 ngày, mỗi lứa đẻ khoảng 8-11 con. Đặc biệt, do được chăm sóc tốt, rất nhiều đàn chuột nhắt đẻ kỷ lục đến 14-15 chú chuột con, điều này hiếm có nếu chuột sinh sống tự nhiên.
Tuân thủ quy trình nghiêm ngặt
Theo kỹ sư Thu Hà, chuột ở đây được nuôi để phục vụ y học nên phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt từ khâu cho ăn đến khâu vệ sinh, phòng bệnh nhằm đảm bảo nguồn chuột sạch không mang bất cứ mầm bệnh nào. Bên cạnh đó, chuột phải đáp ứng 2 yêu cầu về trọng lượng và ngày tuổi. Ở chuột lang đạt trọng lượng 200-240g khoảng 3 tuần tuổi thì được lựa chọn đem đi cách ly để theo dõi. Nuôi thêm 2-3 tuần, chuột đạt trọng 280-330g thì đưa đi kiểm định để giao cho các phòng thí nghiệm. Còn chuột nhắt sau khi cai sữa xong khoảng 3 tuần tuổi, đạt trọng lượng từ 14-18g thì có thể đem đi kiểm định.
Kỹ sư Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trại chăn nuôi Suối Dầu, cho biết hiện nay trại đang nuôi khoảng 20.000 chuột nhắt, 2.000 chuột lang giống. Hàng năm, trại cung cấp cho IVAC, các phòng thí nghiệm, các trường đại học khoảng 70.000 - 80.000 chú chuột nhắt và 4.000 - 5.000 chú chuột lang. Chuột ở đây đều có nguồn gốc, xuất xứ từ Pháp, Nhật Bản. Khoảng một nửa sản lượng chuột nuôi để phục vụ IVAC, nửa còn lại được cung cấp cho các trường như Đại học Y dược TPHCM, Đại học Y dược Huế, Đại học Cần Thơ, một số trung tâm dược liệu trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế trại cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu cả nước.