Thuật ngữ BRIC được nhà kinh tế Jim O’Neill của Goldman Sachs đặt ra vào năm 2001 để mô tả sự trỗi dậy của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Các nước BRIC có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào năm 2009 tại Nga. Nam Phi tham gia vào năm 2010, tạo thành khối BRICS như hiện tại.
Được coi là một thị trường mới nổi mạnh mẽ thay thế cho phương Tây, BRICS chiếm hơn 40% dân số thế giới và khoảng 26% nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Günther Maihold, Phó Giám đốc Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức (SWP), các thành viên của BRICS đang cố gắng khẳng định mình qua việc tạo một mô hình cạnh tranh với G7.
Vào năm 2014, với 50 tỷ USD vốn, các quốc gia BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển mới như một giải pháp thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ngoài ra, họ đã tạo ra một cơ chế thanh khoản được gọi là Thỏa thuận dự trữ dự phòng để hỗ trợ các thành viên đang gặp khó khăn với các khoản thanh toán. Những bước đi này không chỉ hấp dẫn đối với bản thân các quốc gia BRICS mà còn đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển và mới nổi khác từng có kinh nghiệm đau thương với các chương trình điều chỉnh cơ cấu và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của IMF.
Ngân hàng BRICS đã mở cửa cho các thành viên mới. Năm 2021, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Uruguay và Bangladesh đã tham gia góp cổ phần, tuy thấp hơn nhiều so với khoản đầu tư 10 tỷ USD tương ứng của các thành viên sáng lập ngân hàng.
Kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, các thành viên BRICS ngày càng xa rời phương Tây. Cả Ấn Độ, Brazil, Nam Phi hay Trung Quốc đều không tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Điều này ngày càng trở nên rõ ràng với kim ngạch thương mại cao kỷ lục giữa Ấn Độ và Nga, hay sự phụ thuộc của Brazil vào phân bón của Nga. Nhà khoa học chính trị Matthew Bishop từ Đại học Sheffield, Anh, cho rằng về mặt ngoại giao, cuộc xung đột ở Ukraine dường như đã vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa phương Đông và phương Tây.