Sự kiện Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tấn công Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái đánh dấu lần đầu tiên Iran tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Israel. Kể từ khi Cách mạng Hồi giáo diễn ra ở Iran từ năm 1979 tới nay, cả Israel và Iran đều coi nhau như đối thủ truyền kiếp, nhưng hai quốc gia này chỉ thực hiện những cuộc chiến ủy nhiệm chứ chưa xung đột trực diện.
Trong một thông báo đăng trên trang mạng xã hội X, Phái đoàn thường trực của Iran tại Liên hợp quốc khẳng định cuộc tấn công này là phản ứng trực tiếp đối với cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Iran tại Syria hôm 1-4. Gần như đồng thời với cuộc tấn công này của Iran, nhóm chiến binh Hezbollah ở Lebanon đã phóng hàng chục rocket vào một địa điểm quân sự của Israel ở cao nguyên Golan. Lực lượng Hồi giáo Houthi ở Yemen cũng tham gia tấn công bằng rocket vào lãnh thổ Israel.
Cuộc tấn công rạng sáng 14-4 (giờ Việt Nam) có thể được coi là lời “tuyên chiến” của Iran đối với Mỹ và Israel. Ngay sau khi cuộc tấn công được thực hiện, trên trang X, phía Iran cảnh cáo: “Đây là cuộc xung đột giữa Iran và chế độ bất hảo của Israel, mà Mỹ PHẢI TRÁNH XA!”.
Trước ngày 1-4, các nhà quan sát vẫn hy vọng một cuộc chiến trực diện giữa Iran cùng các đồng minh với Israel và Mỹ sẽ không diễn ra do Iran chưa chuẩn bị tốt về mặt quân sự cho một cuộc chiến như vậy vì nước này vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ngoài ra còn có sự phản đối lớn trong nội bộ đối với chính quyền Iran, thể hiện qua phong trào phản kháng rầm rộ vào năm 2022. Tuy nhiên, với những hành động trả đũa giữa Iran và Israel gần đây thì những dự đoán đó đã thay đổi. Hành động này của Iran đã đẩy khu vực Trung Đông càng tới sát mép bờ vực của một cuộc chiến lan rộng mà không ai mong muốn. Đây thực sự là một ác mộng mà cả Mỹ, các quốc gia Arab, thậm chí cả Hezbollah - đã cố gắng tìm cách tránh né trong suốt thời gian vừa qua.
Việc Israel tiến hành cuộc chiến ở Dải Gaza đã dấy lên sự phản đối từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí Mỹ - quốc gia đồng minh quan trọng và lâu đời của Israel cũng đã tỏ ý không hài lòng, nhất là khi Israel bị cô lập bởi các cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế đối với người dân Palestine trên Dải Gaza. Tuy nhiên, Israel đang có những tính toán của mình. Áp lực từ nội bộ khiến ông Netanyahu không thể dừng tay. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để Israel có thể mượn cớ nhằm tìm cách loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa hạt nhân từ Iran mà Israel và Mỹ luôn lo ngại đã từ lâu.
Trong bài phát biểu hôm 13-4 trước người dân Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nói: “Chúng tôi đã xác định một nguyên tắc rõ ràng: Bất cứ ai làm hại chúng tôi, chúng tôi sẽ làm hại họ. Chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình trước mọi mối đe dọa và sẽ hành động một cách bình tĩnh và quyết tâm”.
Chính vì vậy, nhiều người đang lo ngại từ những trả đũa ban đầu sẽ bùng lên một cuộc chiến toàn diện giữa Iran và Israel. Đây sẽ một kịch bản đầy ác mộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả hai bên, có thể kéo Mỹ và Anh vào cuộc xung đột. Phía Mỹ đã nhiều lần nói rõ muốn rút lực lượng Mỹ khỏi Trung Đông và đưa lực lượng này tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và châu Âu. Israel biết rõ về động thái này và cảm thấy phải hành động gấp trong khi đang có sự hiện diện mạnh mẽ của lực lượng Mỹ. Vì vậy, cuộc tấn công rạng sáng 14-4 là điểm khởi đầu mới.
Khu vực Trung Đông, vốn đã trở nên khó kiểm soát kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công Israel, giờ sẽ càng tồi tệ hơn trên mọi mặt trận. Và, thế giới cần “hết sức cảnh giác về mối nguy hiểm thực sự của sự leo thang tàn khốc trên toàn khu vực” - như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói.