“Sự kiện hóa” thể thao

Võ sĩ Trương Đình Hoàng của Việt Nam vừa giành chiến thắng trong trận đấu quyền anh tranh đai WBA khu vực Đông Á hạng 76kg. Thông tin này có thể không được nhiều người quan tâm, nhưng sự kiện được tổ chức hôm 19-10 vừa qua thì lại thu hút hàng chục ngàn người khi nó diễn ra tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ngay trung tâm Hà Nội.

 Hàng chục trận đấu kéo dài từ đầu giờ chiều đến tối, lại ở một không gian mở ngoài trời, khiến cho một sự kiện thể thao trở nên nổi bật.

Đó là một cách làm mới ở Việt Nam nhưng không mới với thế giới. Càng là thể thao đỉnh cao, càng có tính chuyên môn cao, thì yếu tố giải trí lại càng được khai thác tối đa. Nói cách khác, người ta luôn tìm cách để “sự kiện hóa” những cuộc tranh tài, kể cả những môn kén người xem, ít kịch tính nhất như cờ vua. Đơn giản, một phần quan trọng của thể thao là đem lại thời gian thư giãn, thăng hoa cảm xúc, tạo động lực… cho người dân, bao gồm những người chưa tập luyện bất kỳ môn thể thao nào.

Nhưng ở Việt Nam, có vẻ như thể thao chỉ dành cho giới chuyên môn, yếu tố thành tích được ưu tiên và trong những điều kiện khó khăn, người làm thể thao thậm chí còn triệt tiêu luôn yếu tố sự kiện của nó. Ví dụ, có lần giải vô địch quần vợt quốc gia được đưa vào thi đấu trong nhà, không có khán giả, cũng chẳng cần tuyên truyền. Cứ cho là việc tổ chức như vậy vẫn bảo đảm chuyên môn, tiết kiệm được chi phí, nhưng như vậy thì đem lại giá trị gì khi phát triển quần vợt tại Việt Nam? VĐV sau khi tuyển chọn tại một giải đấu như thế, có đạt thành tích cao ở quốc tế, nhưng cũng không có nghĩa là quần vợt sẽ được quan tâm nhiều hơn?

Ngoài bóng đá và xe đạp, vốn bắt buộc phải thi đấu ở không gian mở, thì rất nhiều môn thể thao có tính phổ quát cao tại Việt Nam hiện nay hầu như không quan tâm yếu tố sự kiện, tạo sự tương tác với người hâm mộ. Đây đã là lối mòn về tư duy của những nhà quản lý thể thao Việt Nam. Ngay cả khi chúng ta đăng cai sự kiện tầm cỡ châu lục như Asian Indoor Games 2009 hay Beach Asian Games 2016 thì các hoạt động gần như vo tròn ở góc độ chuyên môn. 

Tất nhiên không phải ai cũng làm vậy. Đơn cử như giải thưởng Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam do Báo SGGP tổ chức từ năm 1995 đến nay. Mặc dù đây là cuộc bầu chọn thuần túy chuyên môn, nhưng ngay từ kỳ giải lần thứ 3 (năm 1997), những người tổ chức đã tìm cách vận động tài trợ, tìm kiếm sự đồng thuận từ các nhà chuyên môn để thực hiện các sự kiện trao giải hoành tráng, bổ sung yếu tố giải trí, tăng tính tương tác với người hâm mộ. Vì thế mà QBV Việt Nam không đơn thuần là một danh hiệu cá nhân, mà còn là một sự kiện quan trọng hàng năm của bóng đá Việt Nam.

Một ví dụ khác, đó là các giải bóng chuyền nữ quốc tế do Bình Điền và VTV 9 tổ chức. Sự kiện này đã lựa chọn các địa phương xa, người hâm mộ còn thiếu những “món ăn tinh thần”, chi phí tổ chức được đầu tư nhiều cho tuyên truyền quảng bá, các hoạt động bên lề, khiến cho mỗi kỳ giải giống như một dịp hội hè ở các địa phương đăng cai.
Ngay ở bóng đá, môn có sức hút cực lớn và tự nhiên, thì cũng không vì thế mà bỏ quên việc “sự kiện hóa”. CLB Hà Nội vừa tổ chức thành công chương trình “Strong Việt Nam” với sự tham gia của nhiều tuyển thủ quốc gia tại các trường tiểu học với mục đích thúc đẩy niềm đam mê chơi bóng, đồng thời qua đó cũng tăng thêm lượng CĐV “ruột” cho đội nhà.

Đáng tiếc là hoạt động “sự kiện hóa” thể thao ấy chủ yếu đến từ các đơn vị ngoài xã hội. Họ vì quyền lợi thiết thực, cũng như uy tín của đơn vị mình, mà cố gắng đầu tư. Có nhiều năm, khi đội tuyển thi đấu thành tích kém, Báo SGGP đã phải cân nhắc đến việc ngưng tổ chức QBV Việt Nam hay chuyển sang mô hình trao giải tượng trưng như của thế giới. Nhưng vì những giá trị tinh thần mà các sự kiện trao giải đem đến cho cầu thủ, nhất là các cầu thủ nữ, futsal... vốn không nhiều người biết, mà ban tổ chức vẫn nỗ lực để duy trì. Mỗi năm càng tốt hơn, hấp dẫn hơn. Và chính sự cố gắng “sự kiện hóa” thể thao ấy mà QBV Việt Nam lại được ủng hộ nhiều hơn, góp phần tạo thêm những hình ảnh đẹp cho bóng đá Việt Nam. Nói cách khác, nếu các nhà quản lý quyết liệt và kiên trì trong việc “sự kiện hóa” thì họ vừa tạo được giá trị cho các môn thể thao của mình, đồng thời có thể sẽ hái được “quả ngọt” trong tương lai nhờ xây dựng được phong trào và hình ảnh.

Tin cùng chuyên mục