Loại hóa chất khử khuẩn thường được sử dụng phổ biến nhất là Cloramin-B. Đây là hóa chất chuyên khử khuẩn bề mặt, khuyến cáo dùng cho bệnh viện, trường học, hộ gia đình. Ví dụ, sử dụng khi có ổ dịch tay chân miệng, tiêu chảy… xảy ra. Tuy nhiên loại hóa chất khử khuẩn này phải được lau lên trên bề mặt vật dụng, sàn nhà… với nồng độ thích hợp thì mới phát huy tác dụng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có khuyến cáo về tính vô hiệu khi xịt khử khuẩn ngoài trời đối với virus SARS-CoV-2. Các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn tại Việt Nam cũng liên tục lên tiếng. Đồng thời cảnh báo các hệ lụy đến sức khỏe và môi trường nếu sử dụng tràn lan các hóa chất khử khuẩn. Thế nhưng, không hiểu sao cơ quan chuyên môn - Bộ Y tế dường như bỏ qua những cảnh báo này và sau gần 2 năm mới lại lên tiếng!?
Ở một vấn đề khác, cũng trong quá trình chống dịch Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, chia sẻ: “Trong các hình ảnh được công bố, tôi có một cảm giác rất khó chịu, khi chứng kiến những em bé là F0 mới chỉ 5-6 tuổi, lùng nhùng trong bộ đồ bảo hộ để đi điều trị”. Bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, F0 chỉ cần đeo khẩu trang đúng cách, dùng tấm che giọt bắn là đảm bảo an toàn. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia dịch tễ. Và nếu không có hướng dẫn kịp thời, hàng ngàn ca mắc mỗi ngày sẽ tiêu tốn hàng ngàn bộ đồ bảo hộ một cách không cần thiết. Trong khi đó, tại các bệnh viện điều trị Covid-19, nhân viên y tế phải tiết kiệm từng chiếc khẩu trang. Đó không chỉ là sự lãng phí, mà còn có cả sự nghịch lý.
Hay như trong các giai đoạn dịch trước đây, việc không phân loại chính xác F1 để đưa đi cách ly tập trung đã khiến số lượng F1 cao hơn nguy cơ thực tế. Từ đó, gây ra quá tải ở các khu cách ly tập trung, kéo theo nguy cơ lây nhiễm chéo, quá tải nhân lực, nhu yếu phẩm, ảnh hưởng đến tinh thần người cách ly, cũng như tạo gánh nặng không cần thiết với địa phương. Chỉ đến đợt dịch thứ 4, sự điều chỉnh trong chiến lược đã khắc phục được lãng phí trên. Covid-19 là “cơn bão” rất mới, rất kỳ dị với cả thế giới. Chúng ta có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng nếu không kịp thời và đúng lúc sẽ trở thành bài học đắt giá.
Trở lại câu chuyện phun khử khuẩn ngoài trời, đây là vấn đề chuyên môn nên các chuyên gia của Bộ Y tế không thể không biết. Nếu phương án vô hiệu, thì cần điều chỉnh gấp rút, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, PGS-TS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, không ít lần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông và cảnh báo việc phun khử khuẩn lúc này là lợi bất cập hại.
Đến lúc này, vẫn chưa có thống kê chính thức nào đo đếm mức độ lãng phí tiền bạc và rủi ro sức khỏe do triển khai phun khử khuẩn trong dịch Covid-19 gây ra. Cuộc chiến với dịch Covid-19 đang tiếp tục, nguồn lực đang được huy động từ mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Lãng phí hay im lặng trước sự lãng phí, đều có lỗi với lòng tin của nhân dân.