Nhóm tham gia sứ mệnh mang tên Space X Crew-2 lần này có 4 người, gồm 2 phi hành gia của NASA là Shane Kimbrough và Megan McArthur, phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide và chuyên gia vũ trụ của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) Thomas Pesquet. Space X Crew-2 sẽ thực hiện các thí nghiệm và nghiên cứu trước khi quay trở lại Trái đất vào tháng 10-2021. Họ gia nhập nhóm các phi hành gia đã có mặt trước đó là Space X Crew-1 để cùng thực hiện nhiệm vụ chung, trong đó có các thí nghiệm không thể làm ở Trái đất như khám phá phản ứng của cơ thể trong môi trường không gian xa lạ, nghiên cứu khía cạnh vật lý của cơ thể và phản ứng của não. Dự kiến, Space X Crew-1 sẽ trở về Trái đất trong tháng 5-2021.
Space X Crew-1 là nhóm gồm 4 phi hành gia đầu tiên đã được Space X đưa lên ISS bằng tên lửa đẩy Falcon 9 trong tháng 11-2020. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên khám phá không gian mới do các công ty thương mại dẫn đầu. Theo giới chuyên gia, việc NASA bắt tay với Space X là sự hợp tác cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi cuộc chạy đua giành vị thế dẫn đầu trong không gian vũ trụ ngày càng gay gắt. Hiện không có sự cạnh tranh giữa Space X và NASA do Space X là một công ty hoạt động vì lợi nhuận, trong khi NASA là một tổ chức trực thuộc Chính phủ Mỹ, theo đuổi những khám phá khoa học không liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế.
Trên thực tế, sự hợp tác giữa hai bên đã bắt đầu từ 15 năm trước. Vào năm 2006, NASA bắt đầu đầu tư vào các công ty vũ trụ tư nhân, hy vọng một ngày nào đó họ có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa và phi hành đoàn cho ISS, thay vì phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài. Ứng viên sáng giá thời điểm đó là Space X. Công ty của tỷ phú Elon Musk là một trong những công ty đầu tiên nhận được tài trợ từ NASA khi công ty chỉ mới 4 tuổi. Có thông tin cho rằng NASA đã trả khoảng một nửa chi phí cho việc phát triển tên lửa Falcon 9 của Space X. Nếu không có Space X, công ty Mỹ duy nhất hiện có khả năng vận chuyển hàng hóa lên ISS sẽ là Northrop Grumman và việc vận chuyển phi hành đoàn của NASA sẽ vẫn dựa vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga.
Năm 2008, Space X đã giành được hợp đồng trị giá hàng tỷ USD để vận chuyển hàng hóa lên ISS. Nếu không có sự hỗ trợ NASA trong thời gian qua, Space X có thể đã đứng trước bờ vực phá sản. Ngày nay, mặc dù Space X nhận được doanh thu từ nhiều khách hàng, nhưng một phần lớn kinh phí đến từ việc vận chuyển phi hành đoàn, hàng hóa đến ISS và phóng tàu vũ trụ khoa học cho NASA.
Sự hỗ trợ của NASA từ nhiều năm trước dành cho các công ty như Space X đã góp phần định hình lại khuôn mẫu của ngành hàng không vũ trụ Mỹ. Việc có sự tham gia của một công ty như Space X đã giúp đánh thức sự quan tâm của công chúng đối với chuyến bay vào vũ trụ. Công ty đã sử dụng công nghệ truyền hình trực tiếp, biến mỗi vụ phóng và hạ cánh tên lửa trở thành một sự kiện thú vị. Mọi thứ Space X làm đã truyền cảm hứng cho thế hệ mới theo đuổi sự nghiệp không gian vũ trụ.