Thấy chúng tôi tìm dì Hạnh, chị Thanh, một phụ nữ bán nước giải khát trên đường Phạm Đình Hổ (phường 2, quận 6) liền mời: “Em vào đây ngồi cho mát, đợi dì Hạnh chút xíu, vừa thấy dì xách túi quà đi ngang, chắc đem cho gia đình nào đó trong khu phố. Khách của dì Hạnh cũng là khách của tụi chị, em uống gì chị mời, không tiền bạc gì đâu. Ở khu phố này ai cũng kính trọng dì Hạnh, vừa tốt bụng lại chu toàn, mấy mươi năm nay cứ tất tả lo cho người dưng mà chả tính toán thiệt hơn, ai khó khăn tìm tới dì là được giúp đỡ”. Cứ thế, không chỉ chị Thanh mà những gia đình xung quanh cũng hào hứng góp chuyện về dì Hạnh, người gọi là dì Hạnh bao đồng tốt bụng, người lại ví dì là “sứ giả” của người nghèo hay dì Hạnh cộng đồng.
Gặp chúng tôi, dì Hạnh chia sẻ: “Dì không rõ cơ duyên nào khiến mình cứ mãi trăn trở với cuộc sống của người này, tương lai của người kia, chỉ biết rằng những năm tháng gắn bó với các hoạt động trong khu phố, trong phường và tiếp xúc nhiều với người nghèo, dì lại ái ngại bởi khu phố còn nhiều người nghèo khó, bệnh tật, già yếu, dù họ cố gắng cũng rất khó thoát nghèo”. Bằng trái tim nhân hậu, song song với việc hỗ trợ giới thiệu việc làm, dì lại chắt chiu chi tiêu bản thân để hàng tháng có khoản tiền tặng mỗi người vài trăm ngàn đồng gọi là thêm đồng ra đồng vào cải thiện cuộc sống. Hiện nay, dì Hạnh đang đỡ đầu cho 7 người có hoàn cảnh như vậy.
Chúng tôi theo dì Hạnh tới thăm bà Châu Thị Tố (75 tuổi, ngụ số 28 Phạm Đình Hổ) là trường hợp neo đơn trong khu phố được dì Hạnh đỡ đầu từ năm 2007 đến nay, mỗi tháng 500.000 đồng. Năm 2015, thấy nhà bà Tố xuống cấp, dì Hạnh liền vận động xây nhà tình thương tặng bà Tố, trong đó có 70% là số tiền do dì đóng góp. Dì Hạnh còn giới thiệu công việc rửa chén tại một tiệm bán đồ ăn sáng để bà Tố có thêm chi phí trang trải sinh hoạt.
Trong khu phố có gia đình chị Trần Ngọc Hà vừa khó khăn lại bệnh tật. Chị Hà bị tiểu đường nặng, phải tháo khớp chân. Ngày chị trở bệnh, trong nhà không có tiền, cậu con trai chạy sang tìm dì Hạnh nhờ giúp đỡ. Thấy vậy, dì lập tức ủng hộ 2 triệu đồng và đề xuất phường tặng gia đình chị Hà thêm 2 triệu đồng để lo viện phí. Từ đó tới nay, dì Hạnh thường xuyên thăm hỏi, động viên và tặng quà gia đình chị Hà để chị yên tâm chữa bệnh. Mỗi dịp phường tổ chức tặng quà cho người nghèo, dì Hạnh lại vận động người thân, bạn bè để có thêm quà giúp bà con.
Dì Hạnh còn là người sáng lập bếp ăn tình thương khu phố 3. Đây cũng là đứa con tinh thần mà dì cùng bạn bè chăm chút mỗi khi rảnh rỗi. Bếp ăn hoạt động từ năm 2009 với mục đích nấu các bữa ăn dinh dưỡng cho người già neo đơn trong khu phố. Cho đến lúc này, dì Hạnh cũng không nhớ mình tham gia bao nhiêu hoạt động thiện nguyện, từ chăm lo cho người nghèo tại khu phố 2, khu phố 3; tặng 10 suất học bổng/năm cho học sinh nghèo vượt khó; đỡ đầu 3 sinh viên đại học; hỗ trợ các công trình xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa; mỗi năm tổ chức khoảng 10 chuyến từ thiện đi vùng sâu vùng xa…