Sứ giả của cộng đồng làng quê

Người đầu tiên ở tỉnh Phú Yên tạo ra sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa được xếp hạng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 4 sao là chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (44 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ).

Chị Thủy khởi nghiệp từ công việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp số, bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa, tạo ra chuỗi giá trị bền vững, để biến những làng quê nghèo khó dần trở thành những mảnh đất tiềm năng.

Chị Thanh Thủy, người tạo ra sản phẩm OCOP về du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng được xếp hạng 4 sao

Chị Thanh Thủy, người tạo ra sản phẩm OCOP về du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng được xếp hạng 4 sao

Trăn trở với làng quê

Trước khi đến với lĩnh vực du lịch, chị Thủy làm việc tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT chi nhánh Phú Yên) với mức lương nhiều người mơ ước. Tuy nhiên, người phụ nữ này luôn trăn trở: “Làng quê là không gian sinh hoạt, định cư của người dân hàng trăm, hàng ngàn năm với nhiều giá trị truyền thống, là nơi tạo ra vô vàn sản phẩm, đặc sản nông nghiệp, nhưng do chưa được khai phá nên hầu hết các ngôi làng đều đang mất đi bản sắc, dần suy thoái. Mỗi khi qua những ngôi làng với bờ bãi cổ xưa, cây cối xanh tốt, ruộng lúa vàng như những tấm lụa trải thảm, tôi khao khát làm cái gì đó để khai phá những tiềm năng, vẻ đẹp này”.

Hành trình bén duyên với lĩnh vực du lịch cộng đồng của chị Thủy rất tình cờ. Do quen biết với 2 người bạn Hàn Quốc, trong đó một là kỹ sư nông nghiệp và một là chủ tịch của một tập đoàn, đến Phú Yên để du lịch, những du khách xứ sở kim chi chia sẻ với chị về hình thái, kinh nghiệm canh tác, tổ chức cộng đồng nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ số trên thế giới. Chị cũng có cơ duyên gặp và kết bạn với PGS-TS Nguyên Hạnh Nguyên (công tác tại Đại học Kiến trúc TPHCM). Vị PGS-TS này khuyên chị làm du lịch cộng đồng cần có sự chung tay của người dân bản địa thì các sản phẩm mới bền vững, giữ chân du khách… Từ đó, nhận thấy mô hình hợp tác xã (HTX) rất phù hợp, chị Thủy kêu gọi một số người bạn cùng chí hướng góp vốn thành lập HTX Nông nghiệp du lịch cộng đồng An Mỹ.

“Mô hình HTX rất hay, nó rất phù hợp với các đối tượng khởi nghiệp ít vốn như chúng tôi. Nó là mô hình kinh tế tập thể, quyền của các cổ đông như nhau, các bên tham gia lợi ích chia đều và rất phù hợp với các vùng kinh tế nông thôn”, chị Thủy nói thêm.

Du lịch trải nghiệm kết hợp quảng bá văn hóa

Dự án đầu tiên của chị Thủy được thực hiện năm 2015, xuất phát từ mô hình homestay có tên Mộc Miên nằm trong con hẻm nhỏ ở phố biển Tuy Hòa. Đến năm 2017, chị chọn một ngôi làng ở xã An Chấn (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) để xây dựng thêm chuỗi homestay kết hợp trải nghiệm làm nông nghiệp, quảng bá văn hóa bản địa với tên gọi “Mộc Miên Rocky Garden”. Đây là mô hình homestay kiểu mới, tập hợp nhiều loại hình trải nghiệm về văn hóa, du lịch, nông nghiệp, học tập… được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, nằm lồng ghép trong các xóm nhỏ, kết nối trực tiếp với các ngõ làng. Nhờ vậy, du khách có thể đến trải nghiệm, tiếp xúc với người dân bản địa để tìm hiểu nét văn hóa độc đáo ở đây, như: tìm hiểu kiến trúc xây làng bằng đá của người xưa; trải nghiệm canh tác lúa nước; trồng rau, nông sản hữu cơ để bán cho HTX…

Du khách không chỉ tham quan mà còn trải nghiệm những câu chuyện của cư dân bản địa, được tiếp xúc và làm việc cùng với họ. Ngược lại, nhiều người dân ở đây được tạo công ăn việc làm, bán sản phẩm. Tại Mộc Miên Rocky Garden, chị Thủy còn thành lập các khóa học ngoại khóa để giáo dục trẻ em tham gia các mô hình trải nghiệm cộng đồng, làm nông nghiệp sinh thái. Ngoài ra, chị còn kết nối với một doanh nghiệp ở TPHCM chuyên đào tạo, hỗ trợ lao động di trú ở các nước, như: Australia, New Zealand, Canada, Mỹ và châu Âu. Thông qua hợp tác này, chị Thủy mở ra địa chỉ để các lao động có thể học tập, trải nghiệm, thực tập lấy chứng chỉ, xác nhận lớp học nông nghiệp sạch, sinh thái cộng đồng phục vụ xuất khẩu lao động sang các nước tiên tiến.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững

Tiếp nối thành công từ Mộc Miên Rocky Garden, chị Thủy triển khai thêm dự án làng du lịch văn hóa cộng đồng An Mỹ (ở xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Với dự án này, chị ấp ủ ý tưởng hình thành chuỗi loại hình dịch vụ du lịch kết hợp nông nghiệp số, giáo dục nông nghiệp. Trong đó, tập hợp, liên kết với người dân ở các vùng sở hữu các đặc sản nông nghiệp, thủy sản để tạo nên hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch.

“Vụ mùa vừa qua, chúng tôi liên kết với khoảng 40 hộ dân trồng các giống lúa mới, đậu phộng… để tạo dựng vùng trồng tập trung, theo chuỗi khép kín. Bà con được cấp giống, được hỗ trợ tiền phân bón, công chăm sóc và kỹ thuật để đi vào canh tác hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch. Chúng tôi cố gắng tổ chức sản xuất đồng bộ, xây dựng quy trình sản xuất khép kín, hữu cơ, mã hóa vùng trồng để gắn mã QR phục vụ truy xuất nguồn gốc. Từ đó, sản phẩm sau thu hoạch sẽ được chúng tôi bao tiêu với giá cao hơn thị trường 25%. HTX sẽ xây khu chợ để trưng bày, giới thiệu, quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP của bà con đến với du khách và các đối tác, doanh nghiệp”, chị Thủy chia sẻ.

Hôm gặp chúng tôi ở phố biển Tuy Hòa, chị Thủy cho biết đang cùng với các cộng sự hoàn tất thủ tục, hồ sơ để xây dựng ý tưởng mới tại khu vực thác du lịch Jray Tăng (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, Phú Yên), tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Thác Jray Tăng rất đẹp với hệ sinh thái phong phú, cộng đồng bản địa (chủ yếu người Ê Đê) tuy nghèo khó nhưng rất hiền hòa. “Các buôn làng người Ê Đê ven thác Jray Tăng có bản sắc văn hóa rất độc đáo, đặc biệt có cộng đồng buôn Lê Diêm. Chúng tôi thấy buôn Lê Diêm rất phù hợp để phát triển thành HTX du lịch cộng đồng, làng homestay. Ở đây, chúng tôi sẽ khai thác theo những giá trị vốn có để tái tạo, bảo tồn, gắn kết chặt chẽ với người dân bản địa. Từ bảo vệ, đầu bếp, phục vụ đến người hướng dẫn du khách… đều là người Ê Đê. Song song với buôn Lê Diêm, chúng tôi sẽ phát triển thêm ngôi làng khác ở buôn Ly (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh) để tạo dựng chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng”, chị Thủy tâm sự.

Năm 2021, dự án Mộc Miên Rooky Garden của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy được UBND tỉnh Phú Yên trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên trong thể loại sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng ở Phú Yên. Vừa qua, với dự án du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa, đa dạng sinh học ở thác Jray Tăng, chị Thủy đang xây dựng hồ sơ trình Bộ NN-PTNT đăng ký trở thành sản phẩm OCOP 5 sao.

Tác giả NGỌC OAI

Bình chọn bài viết

Bài viết mới