Các chủng loại VLXKN đã được đầu tư, phát triển trong thời gian qua gồm: gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu); gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp; gạch bê tông bọt; tấm bê tông rỗng đùn ép (acotec); tấm tường bê tông khí chưng áp...
Tính đến hết năm 2018, số lượng cơ sở sản xuất gạch không nung khoảng 2.500 cơ sở với tổng công suất thiết kế đạt khoảng 12,6 tỷ viên quy tiêu chuẩn - QTC/năm, chiếm trên 30% tổng công suất thiết kế vật liệu xây.
Đáng chú ý, đến tháng 9-2020, do khó khăn về tiêu thụ, nhiều cơ sở sản xuất có công suất nhỏ đã dừng sản xuất, số cơ sở sản xuất VLXKN đang hoạt động còn trên 1.600 cơ sở; nhiều cơ sở phải giảm sản lượng. Tổng công suất thiết kế còn khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây).
Trước thực tế trên, để tiếp tục phát triển VLXKN trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, ban hành các văn bản theo hướng tăng cường sử dụng VLXKN.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi về sản xuất và sử dụng VLXKN theo Nghị định 24a/NĐ-CP ngày 5-4-2016 và Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 16-12-2019: Sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển VLXKN, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với các nhà sản xuất và từng loại VLXKN. Ngoài ra, cần ban hành đồng bộ, chi tiết các chính sách ưu đãi sử dụng phế thải công nghiệp sản xuất VLXKN, bắt buộc sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng theo tiêu chí cụ thể.
Các địa phương nghiêm túc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hạn chế việc chấp thuận các dự án đầu tư sản xuất gạch đất sét nung.