TPHCM đặt mục tiêu đến hết năm 2022, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng túi thân thiện môi trường (TTMT); tiểu thương tại các chợ truyền thống giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng; hướng đến hết năm 2023, giảm sử dụng 65% sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sử dụng túi TTMT ở các chợ truyền thống hiện nay vẫn còn rất thấp.
Mới chỉ đạt 18%
Theo Sở Công thương TPHCM, nhu cầu sử dụng túi nhựa tại các hệ thống phân phối hiện nay ước đạt 16.548 tấn/năm, trong đó lượng túi TTMT chiếm 93,6% (khoảng 15.490 tấn). Số lượng túi nhựa tại các chợ truyền thống là 1.176 tấn/năm, trong đó túi TTMT chiếm 18% (hơn 200 tấn), còn lại là túi ni lông khó phân hủy. Số lượng túi nhựa được dùng trong các loại hình phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại...) là 15.372 tấn/năm, trong đó túi TTMT chiếm 99,4%.
Theo đánh giá của ngành công thương, các loại hình phân phối hiện đại gần như đã chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng các loại túi TTMT thay thế túi nhựa, túi ni lông, điển hình như hệ thống Sài Gòn Co.op, Satra, Bách hóa Xanh, Big C… Mặc dù vậy, nhìn chung việc triển khai sử dụng túi TTMT vẫn chưa được đồng bộ, hiệu quả chưa như mong muốn. Nguyên do là túi TTMT cạnh tranh khó khăn với túi ni lông về giá cả, mức độ tiện lợi không bằng và thói quen của một bộ phận người tiêu dùng. Đặc biệt, tình trạng sử dụng túi ni lông khó phân hủy ở các chợ truyền thống vẫn còn phổ biến.
Ghi nhận thực tế tại một số chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1), chợ Bình Khánh (TP Thủ Đức)… cho thấy, phần lớn các tiểu thương vẫn sử dụng túi ni lông khó phân hủy để đựng hàng hóa cho khách. Bà Lê Thị Thái, tiểu thương bán rau, củ tại chợ Bà Chiểu cho biết, ngày nào bán được nhiều hàng cũng phải sử dụng hết 1-2kg túi ni lông. “Loại túi này tiện và rẻ nên sử dụng nhiều năm nay rồi. Tuy rằng vẫn biết ban quản lý chợ tuyên truyền về túi TTMT, nhưng cũng thấy ít tiểu thương sử dụng”, bà Lê Thị Thái phân vân.
Còn theo ông Lê Thanh Hải, Phó Ban Quản lý chợ Tân Định, hiện nay tâm lý của người tiêu dùng về sử dụng túi TTMT vẫn chưa thực sự được nâng cao. Ở chợ dù bó rau, con cá, miếng thịt, củ khoai đều dùng túi ni lông tiện dụng để đựng, thậm chí một con cá bé tí cũng dùng tới 2-3 cái túi ni lông. Chính tâm lý như vậy nên việc tuyên truyền sử dụng túi TTMT cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Giá cao, chất lượng chưa đáp ứng
Phân tích về những khó khăn khi triển khai chương trình sử dụng túi TTMT ở chợ Tân Định, ông Lê Thanh Hải cho rằng, cái khó lớn nhất vẫn là giá thành. Trong khi túi ni lông khó phân hủy có giá khoảng 17.000 đồng/kg, thì túi TTMT hơn 40.000 đồng/kg. Thứ hai, mẫu mã, chất lượng của túi TTMT chưa đáp ứng được nhu cầu của tiểu thương. Trong khi túi ni lông khó phân hủy có độ dai, bền hơn rất nhiều và có thể đựng được nhiều mặt hàng có khối lượng nặng, kích cỡ lớn, thì túi TTMT lại không có những ưu điểm này. Tiểu thương chỉ cần cho sản phẩm có khối lượng nặng một chút là túi TTMT sẽ bị rách, nứt ra ngay. Đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến cho việc kêu gọi tiểu thương sử dụng túi TTMT còn hạn chế.
Mặc dù Ban Quản lý chợ Tân Định thường xuyên tuyên truyền nhưng lượng tiểu thương sử dụng túi TTMT không tăng như như mong muốn. Tỷ lệ sử dụng túi TTMT ở chợ Tân Định trước đây khoảng 60%, nhưng nay đang có xu hướng giảm. Để khắc phục tình trạng này, theo Ban Quản lý chợ Tân Định, cần có chính sách giảm giá thành túi TTMT và tăng giá bán túi ni lông khó phân hủy; đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng hơn nữa túi TTMT để phù hợp với nhu cầu của các tiểu thương.
Cùng quan điểm trên, nhiều ý kiến của tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cho rằng, khó khăn lớn nhất để kêu gọi tiểu thương sử dụng túi TTMT hiện nay là giá thành, kế đến là mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Trước đây cũng có nhiều tiểu thương ở chợ Bà Chiểu sử dụng túi TTMT, nay họ không còn hứng thú nữa bởi các sản phẩm này không đáp ứng yêu cầu.
“Nếu như trước đây tỷ lệ tiểu thương sử dụng túi TTMT đạt 50% thì nay đã giảm chỉ còn hơn 40%. Thành phố cần có chính sách giảm giá cho túi TTMT và tăng giá túi không thân thiện. Đặc biệt cần nâng cao chất lượng, mẫu mã, chủng loại sản phẩm hơn nữa thì túi TTMT mới có chỗ đứng trên thị trường”, một tiểu thương chợ Bà Chiểu kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng túi TTMT có hiệu quả, Sở Công thương sẽ triển khai các hoạt động cụ thể như: Trong quý 3-2022, sẽ phát thí điểm túi TTMT, túi sử dụng nhiều lần tại các chợ truyền thống ở các quận, huyện, TP Thủ Đức (mỗi đơn vị sẽ nhận một số lượng túi TTMT, túi sử dụng nhiều lần, sau đó phát cho các tiểu thương, người tiêu dùng tham gia mua sắm tại các chợ); tổ chức khóa tập huấn tuyên truyền giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và tiêu dùng bền vững tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; trình chiếu video, clip tuyên truyền về tác hại của túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, nhà sách, cửa hàng tiện lợi; phát loa tuyên truyền các nội dung về tác hại của túi ni lông khó phân hủy tại các chợ truyền thống; hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh bao bì thân thiện môi trường tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các chương trình xúc tiến. |