Đến nay tại Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã triển khai thử nghiệm IBM Watson for Oncology và 530 ca bệnh ung thư đã được thực hiện điều trị theo phác đồ trí tuệ nhân tạo tư vấn, gợi ý.
Sáng nay 26-4, tại Hà Nội, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Việt Nam” với sự tham gia của các tập đoàn, công ty công nghệ trong và ngoài nước cũng như các viện nghiên cứu, trường ĐH công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Công ty cổ phần Five9 Việt Nam, đơn vị triển khai Hệ thống IBM Watson for Oncology tại Việt Nam và đại diện nhóm IBM Watson Health của Tập đoàn IBM (Mỹ) chia sẻ về các giải pháp trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong việc hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và điều trị ung thư.
Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh TB Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế cho biết, với mục tiêu chung là ứng dụng và phát triển CNTT trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao nhất ở mọi lúc, mọi nơi và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, toàn diện, suốt đời.
PGS.TS Trần Quý Tường khẳng định, xu hướng tất yếu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong y tế là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng người bệnh.
AI cũng như các công nghệ mới luôn cần thời gian để hoàn thiện trước khi đi vào thực tế. Tuy nhiên, AI là xu hướng tất yếu của thời đại, Việt Nam không thể trì hoãn.
Chính vì thế, các đơn vị cần phối hợi chặt chẽ trong công tác hợp tác triển khai, phù hợp với môi trường xã hội Việt Nam đồng thời theo kịp xu hướng phát triển CNTT trên thế giới.
Tại hội thảo, nhiều giải pháp ứng dụng AI ứng dụng trong lĩnh vực y tế đã được các chuyên gia trình bày. Các giải pháp ứng dụng đều cho thấy khả năng triển khai thực tế tại Việt Nam, cũng như tác dụng to lớn trong việc nâng cao quản lý bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như giảm tỷ lệ người Việt Nam ra nước ngoài điều trị.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Quý Tường đánh giá cao IBM Watson for Oncology, nhưng cho rằng, giá thành sử dụng hệ thống này cần phải phù hợp với điều kinh tế - xã hội Việt Nam. Ảnh T.B Trong chương trình các chuyên gia về AI của Five9 Việt Nam và IBM đã có những bài giới thiệu ban đầu về các hệ thống ứng dụng AI phục vụ cho lĩnh vực y tế: IBM Watson for Oncology và Hệ thống phân tích gene (IBM Watson for Genomic). IBM Watson for Oncology là hệ thống AI nhằm gợi ý cho các bác sĩ ung bướu phác đồ điều trị ung thư cho từng người bệnh.
Sau thời gian triển khai thử nghiệm tại Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng xem xét phần mềm IBM Watson for Oncology ứng dụng trong tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam.
Hội đồng đã khẳng định sử dụng hệ thống AI IBM Watson for Oncology góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam và khuyến nghị áp dụng trên diện rộng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo các tài liệu quốc tế, phần mềm AI IBM Watson for Oncology do IBM xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn đến nay đã được áp dụng ở 230 bệnh viện của 13 nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan,… Phần mềm AI IBM Watson for Oncology có giá trị tư vấn, hỗ trợ bác sỹ chuyên ngành ung thư lựa chọn phác độ điều trị ung thư tiên tiến, phù hợp, hiệu quả cho công việc.
Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã tiên phong trong việc ứng dụng AI IBM Watson for Oncology trong tư vấn lựa chọn phác đồ điều trị ung thư, bước đầu có kết quả khả quan.
Số liệu thử nghiệm chưa nhiều, nhưng ở cả 3 bệnh viện (Bệnh viện K Trung ương với 200 ca bệnh các loại ung thư vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng; Bệnh viên Ung bướu TPHCM với 229 ca bênh các loại ung thư vú và đại trực tràng; Bệnh viện đa khoa Phú Thọ với 101 ca bệnh các loại ung thư vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, cổ tử cung và buồng trứng) cho thấy sự tương đồng giữa phác đồ điều trì của các bác sĩ và phác đồ điều trị do AI đưa ra là khá cao.
Tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ điệu trì của các bác sỹ và phác đồ điều trị do hệ thống AI IBM Watson for Oncology đưa ra là khá cao. Ảnh T.B
Tại buổi hội thảo, đại diện 2 bệnh viện hàng đầu về điều trị ung thư tại Việt Nam là Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Ung bướu TPHCM khẳng định, trong thời gian sắp tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng AI trong hỗ trợ điều trị ung thư, giúp người bệnh được hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Với hệ thống IBM Watson for Oncology, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết đã chính thức triển khai. Bệnh viện K Trung ương cũng cho biết sẽ sớm triển khai rộng rãi hệ thống này tại các cơ sở của Bệnh viện.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo của IBM Watson Health mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện với Bộ Y tế Việt Nam, Five9 Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng vào thực tiễn các giải pháp ứng dụng AI vào trong lĩnh vực y tế. Phía Five9 Việt Nam cũng cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp ứng dụng AI và ngành y tế giúp cho ngày càng nhiều người bệnh tại Việt Nam được hưởng lợi từ nên y tế tiến tiến.
TRẦN BÌNH