Mỗi ngày Việt Nam chi gần 2,5 triệu USD cho việc nhập khẩu này. Trong đó, 50,2% nguồn nhập khẩu thuốc BVTV và nguyên liệu đến từ Trung Quốc.
Lỗ hổng
Trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu, sản xuất kinh doanh khoảng 100.000 tấn thuốc BVTV, trong đó 40% được gia công và xuất sang Lào, Campuchia, Myanmar… Từ 4-5 năm nay, các doanh nghiệp chi khoảng 500 triệu USD nhập khẩu thuốc BVTV và hoạt chất BVTV (nguyên liệu) từ Trung Quốc.
Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), thuốc trừ sâu bệnh khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn. Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc BVTV thế giới, nhất là hoạt chất Glyphosate hiện được nhiều công ty kinh doanh thuốc BVTV đăng ký sử dụng làm nguyên liệu trừ cỏ trên cây trồng đang gây tranh cãi.
Theo Cục BVTV, các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hóa chất BVTV từ Trung Quốc, gồm 2 loại: hoạt chất kỹ thuật để về pha chế (loại này không nhiều) và khoảng 80% là thuốc BVTV dạng thành phẩm, được đóng thùng phuy hay bao, nhập về sang chai, đóng gói hay phối trộn để tiêu thụ. Trong số 95 nhà máy đủ điều kiện sản xuất đã được Cục BVTV chứng nhận, chỉ số ít có đủ công nghệ, thiết bị để nhập hoạt chất kỹ thuật về thêm các chất phụ gia (dung môi, chất bám dính, chất thẩm thấu, chất tạo độ sánh…) phối trộn tạo ra sản phẩm.
Ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục BVTV, cho biết, nếu nhập khẩu hoạt chất dạng tech (kỹ thuật) thì độ tinh khiết rất cao, nên không có sự chênh lệch về chất lượng giữa Trung Quốc và các nước tiên tiến. Nhưng nếu nhập khẩu dạng thành phẩm về sang chai, đóng gói để kinh doanh thì có sự khác biệt khá lớn về chất lượng và tính an toàn so với các nước, do chất phụ gia sử dụng bên trong hoạt chất đó. Hiện nay, mới chỉ kiểm soát hoạt chất, riêng chất phụ gia vẫn chưa được phía Việt Nam quy định kiểm soát. Đây là lỗ hổng. Doanh nghiệp tận dụng nhập khẩu để có thể bán được hàng rẻ hơn, cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại từ nước khác.
Ông Lê Văn Thiệt giải thích thêm, trong thuốc BVTV hóa học, nhiều khi hoạt chất không nguy hiểm hay độc hại bằng chất phụ gia. Vì sự bất hợp lý này, nên Cục BVTV đang đề nghị kiểm soát cả chất phụ gia trong thuốc BVTV thành phẩm để loại bỏ những chất độc hại không chỉ với cây trồng, môi trường mà còn với con người sử dụng.
Chuyên gia nông nghiệp hàng đầu, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng, trong số những hoạt chất sử dụng trong nước, có loại nước ngoài cấm mà ta vẫn cho sử dụng. Thông tư 34 của Bộ NN-PTNT (ban hành tháng 10-2015) về việc sửa đổi, bổ sung thông tư trước đó liên quan đến danh mục thuốc BVTV được phép hoặc cấm sử dụng ở Việt Nam có nêu rõ. Đây cũng là lỗ hổng trong việc quản lý và kiểm soát: Đó là, có trên 100 hóa chất độc hại ở phụ lục 2, chỉ cấm sử dụng trên rau, quả và trà; với cây trồng khác thì không cấm.
Nếu không cấm trên các loại cây trồng khác thì các hóa chất độc hại này vẫn được nhập khẩu và lưu hành cả nước để dùng cho lúa, mía, bắp, khoai… Ai biết và kiểm soát được người trồng rau, quả hay trà không mua về phun sử dụng? Đã cấm thì phải cấm hẳn, không thể cấm sử dụng trên cây trồng này nhưng lại dùng cho cây trồng khác. Một hạn chế khác, có doanh nghiệp biết một số hoạt chất BVTV sẽ bị cấm sử dụng theo lộ trình trong thời gian tới nên đã nhập về số lượng nhiều hơn để bán chui sau đó. Hiện nay vẫn còn vấn nạn sử dụng thuốc BVTV bị loại khỏi danh mục, xảy ra khá phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và thuốc BVTV giả, nhái ở các tỉnh phía Nam.
Theo GS Võ Tòng Xuân, khi phát hiện các vi phạm, ngành chức năng cần phạt nặng, không thể nhân nhượng những người buôn bán, sử dụng chất cấm này. Nếu kinh doanh, sử dụng hóa chất quá độc hại cũng có thể xử lý hình sự.
Chuyển động
Nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường trở thành một xu thế tất yếu đòi hỏi phải có một danh mục thuốc BVTV thực sự hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường. Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, những đòi hỏi yêu cầu về chất lượng sản phẩm trồng trọt từ thị trường, cũng như thách thức của biến đổi khí hậu, làm tăng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng đòi hỏi công tác BVTV phải có sự thay đổi, khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc BVTV. Đầu tiên, cần tập trung vào nhóm thuốc trừ cỏ; nhóm thuốc trừ sâu, bệnh, nhóm có độc tố cao được sản xuất từ lâu, không còn phù hợp với sinh thái; nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng.
Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã quyết định loại bỏ ra khỏi danh mục 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái và các thuốc không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành (bao gồm carbendazim, benomyl, thiophanate - methyl, hoạt chất 2,4D, paraquat, trichlorfon và carbofuran). Bên cạnh đó, cục cũng đã vận động các doanh nghiệp tự rút khỏi danh mục 206 tên tương phẩm thuốc BVTV. Kết quả, đến nay đã loại bỏ được 1.024 tên thương phẩm ra khỏi danh mục.
Mới đây, hội đồng tư vấn đã biểu quyết loại bỏ 2 hoạt chất fipronil và chloropyrifos (với 355 tên thương phẩm) ra khỏi danh mục. Nếu Bộ NN-PTNT ra quyết định thì trong thời gian tới, danh mục thuốc bị đưa ra khỏi danh mục là 1.415 tên thương phẩm. Đây là những hoạt chất và tên thương phẩm có độc tính cao, tồn dư trên nông sản, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Loại bỏ dần những thuốc BVTV độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn.
Bộ NN-PTNT cho biết, đến năm 2020 sẽ có khoảng 30% tên thương phẩm thuốc BVTV bị loại ra khỏi danh mục và bổ sung vào là các sản phẩm sinh học. Để khắc phục những mặt hạn chế của thuốc BVTV, cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất BVTV, kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Song song đó, chấn chỉnh lại mạng lưới thuốc BVTV.
Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung, ngành BVTV đang gặp nhiều thách thức trước đòi hỏi về sự an toàn nên phải quản lý chặt đầu vào khảo nghiệm và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường. Nhưng việc loại bỏ thuốc BVTV ra khỏi danh mục gặp nhiều khó khăn, do cơ sở dữ liệu và các căn cứ khoa học còn khiếm khuyết rất nhiều. Ngoài ra, lượng thuốc BVTV trong danh mục bị mất cân đối vì phần lớn là thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, các loại cây trồng khác chưa được tập trung khảo nghiệm.
Song song đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc BVTV một cách có ý thức. Ngành trồng trọt và BVTV tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường để triển khai, nhân rộng đến nông dân. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, chương trình canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con tham gia vào chuỗi hay hợp tác xã. Có vậy, người nông dân mới tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Không để xảy ra tình trạng thấy sâu là phun thuốc. Nhà nước có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc BVTV sinh học để thay thế dần nhóm thuốc hóa học; khuyến khích nhà sản xuất, phân phối và người nông dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Cuối tháng 8, Bộ NN-PTNT loại bỏ tiếp 4 thuốc BVTV có chứa các hoạt chất (36 tên thương phẩm), gồm: acephate, diazinon, malathion và zinc phosphide. Như vậy, hiện nay đã loại bỏ 1.060 tên thương phẩm ra khỏi danh mục. |