Thực tế, người tiêu dùng hiện nay đã quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố nguyên liệu sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, yếu tố tự nhiên, hữu cơ trong sản phẩm, nguồn gốc địa phương… Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp
Việt Nam cần phải đầu tư cho phát triển bền vững hơn. Cụ thể, phải xây dựng và quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung; tổ chức liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng chuỗi canh tác bền vững cho từng loài, nhóm loài cây cụ thể.
Đặc biệt, phải áp dụng các tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra cho từng loại nông sản. Trong quá trình sản xuất, cần áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, cùng với quy trình ứng dụng công nghệ cao theo hướng nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.
Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn đối với những sản phẩm mình làm ra và thường xuyên rà soát phân tích các nguy cơ đối với an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm của mình thì người tiêu dùng cũng sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng của mình.
Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng cần tạo thói quen đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng để tạo cơ sở cho những doanh nghiệp chân chính tồn tại và phát triển.