Nhà máy Wien Energi được coi là nằm trong số các nhà máy mạnh nhất châu Âu, đang cung cấp nhiệt tới 56.000 hộ gia đình ở Vienna, và nhà điều hành nhà máy này có kế hoạch tăng gấp đôi công suất, lên 112.000 hộ gia đình vào năm 2027. Linda Kirchberger, Giám đốc của Wien Energie cho biết: “Chúng tôi phải cơ cấu lại hệ thống năng lượng của mình để trở nên độc lập với nhiên liệu hóa thạch”.
Tuy ban đầu là máy bơm nhiệt gia đình, nhưng chúng cũng có thể được triển khai trên quy mô lớn hơn cho các hệ thống sưởi ấm của thành phố. Theo bà Linda Kirchberger, nhà máy đang thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các nhà cung cấp năng lượng ở các thành phố khác của châu Âu, những nơi cũng đang trong quá trình lắp đặt máy bơm chiết xuất nhiệt có trong nước thải và sử dụng nó để sưởi ấm các hộ gia đình.
Nhà máy nằm cạnh một cơ sở xử lý nước thải. Kể từ tháng 12 năm ngoái, dòng nước đã xử lý từ cơ sở này được dẫn qua máy bơm. Nhóm vận hành chiết xuất được 60C nhiệt từ nước thải trước khi nó chảy ngược ra sông Danube. Theo chuyên gia Florian Kretschmer, nhiệt độ nước thải xuống sông thấp là một lợi ích khác, vì các dòng nước trên thế giới đang ấm lên. Nhiệt lượng chiết xuất sẽ được chuyển đến khách hàng của Wien Energie dưới dạng nước nóng qua mạng lưới đường ống rộng lớn để sưởi ấm khu vực. Với 1.300km, đây là mạng lưới lớn thứ 3 ở châu Âu.
“Bản thân công nghệ chiết xuất nhiệt không có gì mới... Điều đáng nói ở đây là người ta sử dụng một phương tiện mới, một nguồn năng lượng mới - nước thải - thứ luôn ở ngay dưới chân chúng ta”, Kretschmer từ Đại học Tài nguyên thiên nhiên và Khoa học đời sống (BOKU) của Vienna, nhận định. Theo ông, các thành phố Scandinavia và nước láng giềng Thụy Sĩ cũng đã chiết xuất nhiệt từ nước thải. Và, máy bơm nhiệt sử dụng nước thải đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các thành phố, chẳng hạn như ở Hamburg của Đức. Việc thu được năng lượng từ hệ thống cống rãnh đã được EU thúc đẩy từ năm 2018, khi khối này công nhận nước thải là nguồn năng lượng tái tạo. Tại Vienna, kế hoạch cho máy bơm nhiệt đã thực hiện từ cách đây 4 năm với khoản đầu tư 70 triệu EUR (76 triệu USD) cho giai đoạn đầu.
Theo Lars Nitter Havro, nhà phân tích cấp cao tại Rystad Energy: “Khi EU chuyển sang thực hiện cam kết tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng…, việc thay thế nhiên liệu hóa thạch kém hiệu quả bằng các giải pháp điện khí hóa như máy bơm nhiệt là rất quan trọng”. Khoảng một nửa số hộ gia đình ở EU vẫn sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sưởi ấm.
Nga từ lâu đã là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của EU. Nhưng kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022 đến nay, giá năng lượng tăng vọt, buộc châu Âu phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Nước Áo không giáp biển, phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Vì vậy, với dự án như máy bơm nhiệt từ nước thải, Vienna đang cố gắng đưa ra các giải pháp thay thế. Bà Kirchberger khẳng định: “Mục tiêu là nhà máy chúng tôi thực sự độc lập, cung cấp cho Vienna nguồn nhiệt an toàn nhưng cũng ổn định về giá”.