Nợ kỷ lục
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo về nợ công của các nước phát triển do dịch Covid-19. Việc gia tăng chi tiêu của chính phủ và sự thu hẹp nền kinh tế đã đẩy tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP (tổng sản phẩm thu nhập quốc nội) ở nhiều quốc gia tăng cao kỷ lục, tăng 16% trong năm 2020 và ít nhất 4% trong năm 2021. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thách thức đối với nền tài chính công các nước càng lớn.
Nằm trong nhóm nước phát triển có áp lực nợ công lớn gồm Mỹ và Nhật Bản. Số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố cho thấy, nợ công của nước này trong tài khóa 2020 đã tăng lên 1.216 tỷ yen (hơn 11.032 tỷ USD) - mức cao kỷ lục trong năm thứ 5 liên tiếp. Nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản tính đến ngày 31-3-2021 tăng lên mức 9,7 triệu yen (88,1 triệu USD) dựa trên dân số ước tính 125,41 triệu người vào ngày 1-4-2021. Hiện tỷ lệ nợ công/GDP của Nhật Bản cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, chiếm khoảng 240% GDP.
Tương tự, Chính phủ Mỹ đã thực thi chính sách tài khóa mở rộng nhằm cung cấp các biện pháp cứu trợ và kích thích nền kinh tế. Theo đánh giá của Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ (CBO), tổng thâm hụt ngân sách liên bang năm 2020 lên tới 3.100 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2019. Tính đến cuối tháng 7-2021, nợ công của Mỹ đã vượt 28.540 tỷ USD. Tỷ lệ nợ chính phủ liên bang trên GDP đã tăng từ 108% GDP năm 2019 lên tới 133% GDP năm 2020, mức cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Thâm hụt ngân sách và nợ Chính phủ Mỹ đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, tiệm cận giới hạn nợ và thâm hụt ngân sách đã đề ra cho 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Tại khu vực châu Âu, Đức và Italy có tỷ lệ nợ công cao. Số liệu từ Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, vào giữa tháng 4-2020, quốc hội liên bang đã thông qua các khoản vay kỷ lục có tổng trị giá lên tới 240 tỷ EUR (284 tỷ USD) cho quỹ phục hồi Covid-19. Tổng nợ công của Đức đã tăng lên 2.200 tỷ EUR (2.600 tỷ USD), mức cao nhất mọi thời đại. So với năm 2019, tỷ lệ nợ công năm 2020 đã tăng 14,4%, tương đương 273,8 tỷ EUR (278 tỷ USD). Với Italy, trong năm 2020, tổng nợ của nước này đã tăng lên mức tương đương 155,6% GDP, cao hơn 20% so với mức 134,6% GDP trong năm 2019. Như vậy, cuối năm 2020, nợ của Italy ở mức 2.570 tỷ EUR (3.110 tỷ USD), tăng so với 2.410 tỷ EUR (3.000 USD) trong năm 2019.
Quốc gia nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Australia cũng đang gánh áp lực nợ công cao. Ước đến năm 2022, nợ công của Australia đạt 590 tỷ AUD (429,5 tỷ USD), tương đương 77% GDP.
Tác động kinh tế - xã hội
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội ở các nước phát triển có tỷ lệ nợ công cao. Năm 2020 đã ghi nhận lần đầu tiên nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đồng loạt rơi vào suy thoái, như Mỹ, Anh, Đức, Italy, Australia, Brazil, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore… Trong đó, Mỹ và châu Âu là những nơi có thực trạng tăng trưởng kinh tế và thương mại kém nhất.
Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong quý 2-2020 ghi nhận chỉ số tăng trưởng giảm 31,4%, mức sâu nhất kể từ năm 1947, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng sụt giảm tới 34%. Trước đó, tăng trưởng kinh tế nước này đã giảm 5% trong quý 1-2020 và chính thức rơi vào suy thoái do dịch Covid-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 14,7% vào thời điểm tháng 4-2020 - tương đương 23,1 triệu lao động không có việc làm. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1948, khi Mỹ bắt đầu thu thập và báo cáo số liệu thất nghiệp.
Theo khảo sát của Liên đoàn Kinh doanh độc lập quốc gia, 46% doanh nghiệp nhỏ hiện nay chưa thể tuyển được người. Trong khi đó, nhiều người Mỹ cảm thấy bất an về việc chi phí sinh hoạt tăng trong thời gian gần đây. Một vấn đề đáng chú ý là mối quan ngại về “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng tài chính quốc tế đối với đồng USD, khiến chỉ số đồng USD tiếp tục đi xuống và bước vào giai đoạn mất giá liên tục.
Hai nền kinh tế lớn ở châu Âu là Đức, Italy cũng thông báo GDP sụt giảm mạnh trong quý 2-2020. Với Đức, nước luôn đóng vai trò “đầu tàu” kinh tế của châu Âu, mức sụt giảm GDP trong quý 2-2020 là 10,1%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1970, khi nước này bắt đầu thống kê GDP theo quý. Trong khi đó, GDP của Italy giảm khoảng 12,4%.
Tại châu Á, kinh tế Nhật Bản cũng lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 do tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp trước tác động của đại dịch Covid-19. GDP của Nhật Bản giảm 5,1% trong quý 1-2021 so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều hơn mức dự báo giảm 4,6%. Đại dịch Covid-19 cũng đã làm gia tăng các vấn đề xã hội của Nhật Bản, như khoảng cách giàu nghèo gia tăng, lao động mất việc làm.
Những dự báo tích cực Dù gặp nhiều biến động nhưng với tiến trình tiêm vaccine Covid-19 được đẩy nhanh để đạt miễn dịch cộng đồng như hiện nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Là một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho một năm đột phá, khi các gói kích thích tài khóa khổng lồ và chính sách nới lỏng tiền tệ chuyển thành tốc độ tăng trưởng GDP cao. Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 7% trong năm nay và 4,9% vào năm 2022. Cùng với dự báo của IMF, nhiều nền kinh tế phát triển và đang phát triển cũng đưa ra những dự báo tích cực. Liên minh châu Âu (EU) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng trong năm 2021, đồng thời cho rằng việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 và kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt trị giá 750 tỷ EUR (hơn 890 tỷ USD) sẽ đưa EU thoát khỏi suy thoái. Theo Ủy ban châu Âu, tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021. Ủy ban này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay. Trong đó, kinh tế Italy sẽ tăng khoảng 5,9% trong năm 2021 và trở lại mức đã đạt được trong năm 2019 vào nửa đầu năm 2022. Nếu đạt mức tăng trưởng 5,9% dự kiến cho năm nay, GDP của Italy dự kiến sẽ tăng khoảng 4,1% vào năm 2022, sau mức giảm mạnh 8,9% ghi nhận được trong năm 2020. Nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan và nhanh hơn so với dự báo. Tiêu dùng cá nhân đang tạo ra động lực lớn cho kinh tế nước này. Số liệu từ Destatis cho thấy, sau khi sụt giảm mạnh vào quý 1-2021 do ảnh hưởng của đại dịch, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã khôi phục đà tăng trưởng trong quý 2, ở mức 1,6% so với quý trước, cao hơn mức dự báo 1,5% hồi đầu năm. GDP của Đức được dự báo sẽ tăng 3,6% vào năm 2022 và nền kinh tế quốc gia này sẽ phục hồi. Tại Nhật Bản, dữ liệu do chính phủ công bố cho biết, sự phục hồi mạnh mẽ của các hoạt động xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng cá nhân đã giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng trở lại sau khi đạt mức tăng trưởng âm trong quý 1-2021. Trong quý 2, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tăng tới 2,9%, trong khi chi tiêu tiêu dùng cá nhân cũng tăng 0,8%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp xuất khẩu của nước này tăng, nhưng là quý đầu tiên tiêu dùng cá nhân phục hồi trở lại. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Australia dự kiến đạt 3,5% năm 2021, tăng cao hơn 0,5% dự báo đưa ra trước đó và có thể đạt mức 2,9% năm 2022, phản ánh hiệu quả các chính sách hỗ trợ của một số nền kinh tế lớn và kỳ vọng tiêm chủng vaccine vào cuối năm. Chính phủ Australia cho rằng, cho đến nay nền kinh tế nước này đã hồi phục 85% sau tác động của dịch bệnh và quá trình này đã diễn ra nhanh gấp 2 lần so với dự báo trước đây của chính phủ. |