
Hiện nay trong các thành phần của các thuốc bổ dùng để uống, ngoài các vitamin, khoáng chất, dược liệu thường có chứa thêm các chất khác được gọi là nguyên tố vi lượng.

Một loại thuốc bổ có axít forlic cần thiết cho cơ thể trẻ em.
Các sản phẩm này được bán tự do trong các nhà thuốc dưới dạng dược phẩm hoặc dưới dạng thực phẩm bổ sung dinh dưỡng mà không cần bác sĩ kê đơn. Do nhiều thông tin chuyên môn chưa đầy đủ, người tiêu dùng có thể tự mua về sử dụng các sản phẩm chứa không đầy đủ các nguyên tố vi lượng, dùng với liều thấp hoặc cao hơn liều khuyên dùng hàng ngày dẫn đến việc phòng trị bệnh không đạt hiệu quả và xuất hiện nhiều phản ứng phụ có hại của thuốc.
Các nguyên tố vi lượng là thành phần thiết yếu giúp tạo nên hệ thống kháng thể và sự tăng trưởng của cơ thể chúng ta. Các nguyên tố vi lượng có thể là các kim loại, khoáng chất thường có vai trò như một coenzym tham gia vào các phản ứng, quá trình, chu trình sinh học, sinh hóa như các chất:
- Sắt (Fe) là thành phần thiết yếu để tạo ra huyết sắc tố hemoglobin, hỗ trợ hoạt động của nhiều hệ thống men xúc tác, hệ miễn dịch, giúp giải độc gan. Liều dùng hàng ngày nên thấp hơn 15mg, nếu dùng quá 20mg sắt mỗi ngày có thể gây rối loạn dạ dày hoặc bị táo bón, phân có màu đen.
- Kẽm (Zn) cần thiết cho sự tổng hợp các chất có tác dụng trên khả năng miễn dịch, giúp kiểm soát sự hấp thu và tiêu hóa thức ăn, điều hòa nội tiết tố insulin giúp cân bằng đường huyết cũng như cần cho sự tổng hợp và hoạt động của nhiều nội tiết tố khác như thyroxin của tuyến giáp hoặc các hormon tăng trưởng, tham gia vào các quá trình tổng hợp protein, giúp ổn định cấu trúc màng tế bào và da. Liều dùng hàng ngày nên thấp hơn 15mg, nếu quá 25mg có thể gây thiếu máu và thiếu chất đồng.
- Coban (Co) kích thích tạo hồng cầu, bảo vệ gan tránh tác động của một số dược phẩm ảnh hưởng đến gan như paracetamol, cần thiết trong sinh tổng hợp hormon tuyến giáp.
- Mangan (Mn) tham gia vào các chu trình chuyển hóa các acid amin, chu trình tạo năng lượng; cần cho sự vôi hóa xương cũng như giúp tổng hợp các cholesterol cần thiết cho cơ thể. Mangan có vai trò giúp bảo vệ niêm mạc ruột. Liều dùng hàng ngày thấp hơn 5mg, nếu dư sẽ cản trở sự hấp thu sắt.
- Vanadi (V) giúp điều hòa sinh lý bơm natri trong cơ thể bằng cách ức chế enzym liên quan. Liều dùng hàng ngày thấp hơn 1,8mg, nếu dư sẽ gây vọp bẻ và tiêu chảy.
- Molybden (Mo) tham gia vào quá trình tạo acid uric, chất này sẽ được loại ra khỏi cơ thể cùng với nước tiểu, đây là quá trình cơ bản của hệ thống phòng vệ chống hiện tượng oxy hóa. Liều dùng hàng ngày nên thấp hơn 75 microgam, khi dùng liều lớn hơn 200 microgam sẽ gây hại cho thận và gây thiếu đồng.
- Đồng (Cu) cần thiết trong sự tạo hồng cầu, giúp tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh cũng như giúp thành lập các mô liên kết tạo collagen cho da. Liều dùng hàng ngày nên thấp hơn 2mg, dùng liều cao hơn 10mg có thể gây độc tính.
- Fluor (F) là thành phần quan trọng của xương, răng, giúp kích thích hấp thu calcium, kích thích việc thành lập xương; là thành phần của collagen trong xương, da, mạch máu và trong nhiều mô khác. Liều dùng hàng ngày tối đa là 3,5mg.
- Nicken (Ni) thay thế được cho các nguyên tố khác như calcium, magnesium, mangan trong các phản ứng sinh học; giúp tăng hấp thu các ion sắt (ferric). Liều dùng hàng ngày thường dưới 1mg, lưu ý có thể gây dị ứng trên da ở một số người nhạy cảm.
- Magnesium (Mg) là thành phần thiết yếu của sự chuyển hóa năng lượng và cũng là thành phần của xương và răng. Magnesium giúp các tế bào không hấp thu quá nhiều calcium; giúp giảm nguy cơ loạn nhịp tim; giảm nguy cơ sản giật ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Liều dùng hàng ngày thấp hơn 350mg, dùng liều cao hơn 400mg sẽ gây các bất lợi về dạ dày và gây tiêu chảy.
- Bor (B) giúp tăng chuyển hóa xương, giảm được những bất thường khi cơ thể thiếu vitamin D; điều hòa hormon của tuyến cận giáp; tăng nồng độ của hemoglobin. Liều dùng hàng ngày thường thấp hơn 20mg, nếu dư sẽ ngăn cản sự hấp thu của vitamin B2 và của phospho.
Các nguyên tố vi lượng được cung cấp từ bên ngoài cơ thể, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh cho thấy chúng chỉ phát huy tác dụng tối ưu khi được dùng đầy đủ các thành phần trên cũng như ở những tỉ lệ thích hợp. Việc dùng thuốc sai do việc thiếu hụt hoặc dư thừa nồng dộ của một vài nguyên tố vi lượng trong cơ thể có thể dẫn đến các rối loạn về quá trình hấp thu và chuyển hóa của các nguyên tố vi lượng khác hoặc cũng có thể làm suy yếu hệ thống kháng thể của chúng ta.
PGS.TS. TRƯƠNG VĂN TUẤN
(Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)