Người dân, chính quyền đã sẵn sàng
Sử dụng căn cước công dân (CCCD) có mã định danh cá nhân thay cho sổ hộ khẩu giấy trong các thủ tục hành chính được người dân cũng như cán bộ chính quyền cơ sở mong chờ từ lâu. Người dân sẽ không phải mang theo sổ hộ khẩu, các giấy tờ liên quan mỗi khi đi làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự vừa tiết kiệm thời gian lại không tốn tiền photo, chứng thực…
Ông Nguyễn Viết Tạo (ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM) phấn khởi, mỗi khi đến bệnh viện khám chữa bệnh, nhân viên bấm thẻ bảo hiểm vào sổ khám bệnh nên nhanh hư hỏng. Người lớn tuổi thường khám bệnh định kỳ, chừng nửa năm là thẻ rách nát không sử dụng được. Từ nay, người dân đến bệnh viện chỉ mang CCCD vừa thuận tiện, lại dễ bảo quản. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp (ở đường 48, tổ 41, KP 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), người dân mong sớm sử dụng hộ khẩu điện tử, dùng CCCD thay cho sổ hộ khẩu vì không còn cảnh mỗi khi lên phường làm thủ tục hành chính là ôm theo cả xấp giấy tờ các loại, vừa lo thất lạc lại mất tiền photo...
Theo cán bộ Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 3, TPHCM, từ ngày 1-7-2021 (khi Luật Cư trú 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành chính thức có hiệu lực), công dân đến công an phường, xã, thị trấn thực hiện điều chỉnh liên quan đến cư trú sẽ được cấp giấy xác nhận cư trú và thu hồi sổ hổ khẩu, sổ tạm trú. Ngày 1-1-2023, người dân chấm dứt sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thay hình thức quản lý bằng số định danh cá nhân, chuyển hoàn toàn sang hộ khẩu điện tử.
Những tiện ích của việc sử dụng hộ khẩu điện tử mang lại cho người dân, cán bộ cơ sở rất cụ thể và thiết thực. Cán bộ ở một số địa phương đã linh hoạt áp dụng hộ khẩu điện tử để giảm bớt giấy tờ cho người dân. Là phường đi đầu trong áp dụng công nghệ thông tin, ông Lê Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Tam Phú (TP Thủ Đức) dẫn chứng, để hoàn thiện trên 2.000 hồ sơ hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, phường sử dụng CCCD thay hộ khẩu giấy. Chỉ riêng việc không photo sổ hộ khẩu đã tiết kiệm cho người dân hàng chục triệu đồng. Hiệu quả mang lại cho người dân và xã hội sẽ rất lớn, nếu các thủ tục hành chính ở cấp phường đều áp dụng hộ khẩu điện tử.
Ở các quận, huyện và TP Thủ Đức, chính quyền các cấp đã tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về áp dụng hộ khẩu điện tử cho cán bộ, nhân viên để kịp thời phục vụ người dân. Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chánh văn phòng UBND huyện Củ Chi, cho biết, huyện đã tập huấn, trang bị kiến thức cho 100% cán bộ, nhân viên từ huyện đến các xã về kỹ năng sử dụng hộ khẩu điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính. Tất cả cán bộ, nhân viên đã sẵn sàng áp dụng hộ khẩu điện tử trong việc giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân.
Vẫn chờ hướng dẫn
Trong khi người dân, cán bộ chính quyền cơ sở đã sẵn sàng, một số địa phương chủ động sử dụng CCCD thay cho hộ khẩu giấy, nhưng việc áp dụng hộ khẩu điện tử vẫn còn không ít trở ngại.
Ngày 3-3, ngành y tế TPHCM tiên phong sử dụng CCCD thay thẻ bảo hiểm y tế trong việc làm thủ tục khám, chữa bệnh theo công văn 931/BYT-BH ngày 28-2-2022 của Bộ Y tế. Một số bệnh viện ở TPHCM như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy... đã triển khai thực hiện. Thế nhưng, khi người dân đến làm thủ tục khám chữa bệnh vẫn phải sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và thực hiện theo quy trình cũ vì chưa có hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM.
Nói về những khó khăn của cán bộ cấp phường, xã gặp phải khi áp dụng hộ khẩu điện tử, ông Lê Đình Thắng bày tỏ: “Cán bộ phường linh hoạt sử dụng cả 3 loại giấy tờ CCCD, hộ khẩu giấy và giấy xác nhận mã định danh cá nhân để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Điều cần thiết với cán bộ phường xã là bộ tiêu chí các thủ tục hành chính khi sử dụng hộ khẩu điện tử. Cán bộ, viên chức không thể linh hoạt mãi, mà cần phải làm theo quy chuẩn, quy định của Nhà nước”. Một khó khăn nữa thuộc về người dân trong việc áp dụng hộ khẩu điện tử là còn không ít người chưa có CCCD, đang sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) hoặc CCCD cũ không gắn mã định danh. Người dân không có CCCD thì không thể làm thủ tục hành chính bằng sổ hộ khẩu điện tử, trong khi công tác cấp CCCD ở một số địa phương vẫn còn chậm.
Ngoài ra, việc chưa liên thông, thống nhất áp dụng giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, ngân hàng cũng làm khó người dân. Không ít trường hợp, người dân sử dụng CCCD làm thủ tục vay tiền ngân hàng, nhưng ngân hàng lại yêu cầu phải có sổ hộ khẩu.
Nguyên nhân là do ngân hàng chưa áp dụng đồng bộ dữ liệu theo yêu cầu của Bộ Công an, người dân vẫn có thể dùng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để thực hiện giao dịch.