Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam, TPHCM triển khai chủ trương đóng học phí không dùng tiền mặt từ năm học 2014-2015. Tuy nhiên, sở cũng yêu cầu các đơn vị trường học phải đa dạng nhiều hình thức thu học phí, tạo điều kiện cho phụ huynh đóng tiền qua nhiều kênh khác nhau, gồm chuyển khoản ngân hàng, thanh toán trực tiếp, thanh toán qua phần mềm điện tử... Liên quan đến thắc mắc của phụ huynh vì sao một số trường hạn chế đóng học phí qua hình thức chuyển khoản, phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho biết, nhiều năm trước đây, có tình trạng phụ huynh chuyển khoản nhầm thông tin học sinh, số tiền đóng không chính xác, phải ra ngân hàng làm thủ tục sao kê chuyển khoản. Trong khi đó, ứng dụng thu học phí cung cấp tài khoản riêng cho mỗi học sinh, thông báo cụ thể số tiền cần đóng, tổng hợp các khoản thu trong suốt năm học để giúp phụ huynh dễ dàng theo dõi. Ngoài ra, các ứng dụng khác như sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến mặc dù phát huy các ưu điểm nổi bật (như tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục học sinh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào nâng cao chất lượng dạy học), song đại diện các trường cũng thừa nhận nếu quản lý không tốt, truyền thông không đúng mức đến phụ huynh thì sẽ dễ tạo tâm lý trái chiều, thậm chí bị xem là “móc túi” phụ huynh.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và triển khai dạy học, trường học cần tiếp tục tuyên truyền, giúp phụ huynh hiểu đúng và đầy đủ về tính năng của các phần mềm, ứng dụng trước khi triển khai trong nhà trường. Song song đó, quá trình vận hành và sử dụng các phần mềm điện tử đòi hỏi trường học phải thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của phụ huynh. Quan trọng hơn hết, các khoản thu, mức thu phải tuân thủ theo đúng Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu, mức thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong trường học, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phục vụ nhu cầu chính đáng của người học.