Trong đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu là bảo đảm an sinh, sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội, ổn định cuộc sống cho nhân dân; khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng…
Đây là phản ứng chính sách cực kỳ kịp thời, thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt của tập thể Chính phủ, lan tỏa đến tất cả các bộ ngành, địa phương. Bởi lẽ, theo những ước tính ban đầu, hậu quả về kinh tế - xã hội của trận bão lịch sử này không thua kém gì đại dịch Covid-19.
Nghị quyết là căn cứ pháp lý quan trọng bước đầu để thực hiện hàng loạt công việc tiếp theo: tính toán việc sử dụng dự phòng rủi ro; cơ cấu lại thời hạn, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Bản nghị quyết đã chỉ rõ những đầu việc cần làm. Nhưng bước tiếp theo, khó khăn hơn nhiều và có ý nghĩa quyết định hiệu quả sử dụng nguồn lực, là làm thế nào.
Tại kỳ họp thường kỳ thứ 7, Quốc hội khóa XV đã tiến hành giám sát tối cao đối với việc thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Nhiều chính sách đã được kiểm nghiệm trên thực tế chính là những kinh nghiệm tốt.
Để khắc phục những hậu quả của khủng hoảng do thiên tai lần này, gói cứu trợ không chỉ cần đủ lớn để phân bổ một cách nhanh chóng đến những đối tượng dễ bị tổn thương nhất (nông dân, công nhân và các hộ kinh doanh nhỏ), mà còn phải được duy trì trong một khoảng thời gian đủ dài để hộ kinh doanh, doanh nghiệp gượng dậy, phục hồi sau khi vừa gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng.
Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội như miễn, giảm thuế, bổ sung ngân sách, điều chỉnh dự toán ngân sách trung hạn. Một thuận lợi đáng kể là dư địa tài khóa vẫn còn: bội chi ngân sách nhà nước và nợ công đang được kiểm soát ở mức thấp hơn dự toán và mức trần Quốc hội quyết định.
Dự kiến, đến cuối năm 2024, nợ công khoảng 37-38% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần (60% GDP) được Quốc hội quyết định.
Cũng liên quan đến nguồn lực, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa cho biết, ước tính, nguồn lực ngoài ngân sách chiếm khoảng 1/4 tổng nguồn lực chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Điều này cho thấy nếu khéo huy động, nguồn lực xã hội đóng góp một phần hết sức quan trọng trong ứng phó, khắc phục những “sự cố” bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, trong tình thế “nước sôi, lửa bỏng”, việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống “lá lành đùm lá rách” có ý nghĩa rất lớn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Kinh nghiệm cho thấy, các gói chính sách không nên dàn trải, mà nên tập trung vào một số ưu tiên cho “ra tấm, ra món”, với thủ tục đơn giản nhất có thể. Thực tế là tính đến hết năm 2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân khoảng 1.218 tỷ đồng (tương đương 3,05% tổng quy mô chính sách), do khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách.
Nguyên nhân chủ yếu là do cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Đó là những điểm cần khắc phục trong chính sách hỗ trợ sắp tới.