Tại buổi làm việc với TPHCM hôm 23-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc TPHCM sử dụng 67.000 tỷ đồng từ việc cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng như cho phép Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc UBND TP. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC.
Chi 67.000 tỷ đồng phục vụ dân sinh
Phóng viên: Nhìn ở góc độ kinh tế, ông đánh giá như thế nào trước các kết luận của Thủ tướng, đặc biệt về các vấn đề tài chính?
Ông PHẠM PHÚ QUỐC: Trong buổi làm việc với TPHCM ngày 23-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận rất sát với thực tiễn của TPHCM và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TP. Trong đó, Thủ tướng đồng ý mô hình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN do UBND TPHCM làm chủ sở hữu sẽ không thu về Trung ương. Thủ tướng cũng đồng ý cho phép HFIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các DNNN thuộc UBND TPHCM cho đến khi thành lập cơ quan chuyên trách đại diện sở hữu DNNN.
Mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại TPHCM đã được TP thí điểm từ năm 2010 và được đánh giá rất tốt. UBND TPHCM cũng đã có báo cáo Thủ tướng mô hình này với đánh giá rằng HFIC đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị khi bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước giao, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động.
Việc Thủ tướng cho phép HFIC chính thức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại toàn bộ các doanh nghiệp thuộc UBND TPHCM có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của TP. Bởi qua đó, HFIC sẽ được phép tạo nguồn lực, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước cho mục đích phục vụ dân sinh.
TPHCM cân đối nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp khác từ năm 2017 trở đi khoảng 67.000 tỷ đồng. Con số này được tính toán trên cơ sở nào, thưa ông?
Chúng tôi tính toán dựa trên tổng số vốn chủ sở hữu của các DNNN của TPHCM sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 58 (2016) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định của Thủ tướng, từ nay đến năm 2020, các DNNN tại TPHCM phải cơ cấu lại, cổ phần hóa. Trừ một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết TPHCM, HFIC…, các doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hóa và Nhà nước chỉ nắm giữ một tỷ lệ vốn điều lệ nhất định. TPHCM xin Trung ương được phép giữ lại nguồn tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn để đầu tư các công trình hạ tầng, công trình phục vụ dân sinh.
TPHCM đã xác định dùng nguồn tiền cho kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tiêu chí về các dự án được dùng nguồn tiền 67.000 tỷ đồng trên đã được xác định rất rõ. Đó là những dự án đặc thù lớn, các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh mà vượt tầm ngân sách của TPHCM đầu tư.
TPHCM đã xác định dùng nguồn tiền cho kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tiêu chí về các dự án được dùng nguồn tiền 67.000 tỷ đồng trên đã được xác định rất rõ. Đó là những dự án đặc thù lớn, các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh mà vượt tầm ngân sách của TPHCM đầu tư.
Việc TPHCM đề nghị giữ lại 67.000 tỷ đồng cũng phù hợp với Điều 37 Luật Ngân sách. Điều luật này quy định những nguồn lực do địa phương đầu tư vào doanh nghiệp thì việc thoái vốn, cổ phần hóa hay cổ tức sẽ được giữ lại cho địa phương.
Phát huy hiệu quả “cánh tay nối dài” của ngân sách
Việc Thủ tướng đồng ý cơ bản với các kiến nghị của UBND TPHCM, cùng với việc TPHCM được hưởng một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị định 48 (2017 - có hiệu lực từ ngày 10-6) sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của TP, thưa ông?
Hạ tầng đô thị của TPHCM còn nhiều hạn chế, bất cập. Một trận mưa nhỏ cũng gây ngập nhiều nơi, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… TPHCM cần nguồn vốn khổng lồ để đầu tư đồng bộ theo nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, nếu TPHCM huy động vốn sẽ đụng trần nợ công. Cụ thể, TPHCM không được huy động quá 70% so với tổng ngân sách được giữ lại (năm 2017, TPHCM được giữ lại 67.000 tỷ đồng), tức TPHCM huy động không quá 42.000 tỷ đồng.
Cho dù TPHCM huy động đụng trần thì đây vẫn là con số nhỏ bé so với nhu cầu. Tuy nhiên, Nghị định 48 (2017) mở ra một “lối thoát”, cho phép doanh nghiệp thuộc TPHCM tự vay, tự trả. Theo đó, khi đã đụng trần nợ công thì DNNN của TPHCM được tự vay, tự trả. Điều này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của TPHCM, trong bối cảnh nguồn ngân sách khó khăn, các nguồn vốn ODA bị hạn chế, quỹ đất công còn hạn hữu và mức huy động của chính quyền cũng bị khống chế.
Mà doanh nghiệp muốn vay được nhiều thì vốn đối ứng, vốn chủ phải nhiều. Để làm được điều này thì phải quy vốn về, nên TPHCM cho phép quỹ đầu tư phát triển có thêm chức năng đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước theo kết luận của Thủ tướng. Khi doanh nghiệp có vốn đối ứng nhiều thì trần huy động tăng lên gấp 6 lần so với vốn chủ sở hữu. Đây là lối thoát duy nhất cho ngân sách TPHCM trong thời gian tới.
Ông có thể phân tích rõ hơn về những cơ hội cụ thể mở ra cho TPHCM?
Ngân sách của Trung ương có giới hạn, lại phải phân bổ cho nhiều địa phương trong cả nước. Nhưng vấn đề cử tri cả nước và giới tài chính mong muốn là nguồn vốn thu được từ việc cổ phần hóa không nên hòa vào nguồn ngân sách rồi “pha loãng” cho việc chi thường xuyên hay một số khoản chi khác. Vấn đề là nguồn thu từ cổ phần hóa này nên được tập trung cho đầu tư phát triển hoặc tái đầu tư vào các nguồn lực nhà nước để tạo nên lợi nhuận, tất cả để phục vụ cho dân sinh, cho phát triển hạ tầng đô thị.
Cụ thể hơn, tổng vốn sổ sách của các DNNN của TPHCM (gồm 54 công ty THHH MTV) khoảng 46.000 tỷ đồng, so với 1,3 triệu tỷ đồng vốn của các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ, ngành Trung ương thì chỉ chiếm khoảng 3,5%. Dù là con số nhỏ so với vốn của Trung ương nhưng nó là cánh tay nối dài của ngân sách TPHCM, là dư địa hiếm hoi của TPHCM sẽ được chi vào mục đích phục vụ dân sinh. TPHCM là đầu mối giao thương, về hàng không, cảng biển… nên khi TPHCM được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật sẽ còn phục vụ cho các địa phương khác và cả nước.
Xin cám ơn ông!