Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng. Ảnh: TTXVN |
Trong phát biểu tại phiên họp “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, bối cảnh chưa có tiền lệ hiện tại đòi hỏi phải hành động vượt ra ngoài tiền lệ với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và đề cao chủ nghĩa đa phương; nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.
Đề xuất việc nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính - tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.
Chiều 20-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại phiên họp thứ hai “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, tập trung vào các chủ đề quan trọng gồm thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong đó nhấn mạnh “thông điệp phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận “Cùng hợp tác giải quyết đa khủng hoảng” |
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường. Việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững. Các nước G7 nên ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xóa, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani; tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann… về hợp tác song phương, cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Ngày 20-5, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 đã ra tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima (Nhật Bản), trong đó để ngỏ cánh cửa hợp tác với Trung Quốc và tránh leo thang căng thẳng giữa nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới với các cường quốc phương Tây và Nhật Bản.
Trong tuyên bố chung, những nhà lãnh đạo nhấn mạnh mong muốn “quan hệ ổn định và mang tính xây dựng” với Bắc Kinh, đồng thời phản đối “các hoạt động quân sự hóa” tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi phát triển và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đối với AI đáng tin cậy, nhất là khẳng định “cần ngay lập tức đánh giá các cơ hội và thách thức từ AI tạo sinh”.
Về vấn đề khí đốt, tuyên bố chung cho biết G7 tin rằng hoạt động đầu tư do nhà nước hỗ trợ trong lĩnh vực khí đốt có thể tạm thời phù hợp, đồng thời tái khẳng định cam kết lộ trình phi carbon hóa vào năm 2030 và cam kết mục tiêu đạt trung hòa khí thải trên lộ trình đến năm 2050. Liên quan đến vấn đề an ninh lương thực, các nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên tham gia Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen “tiếp tục và thực hiện đầy đủ sự vận hành trơn tru của thỏa thuận ở mức tối đa có thể và tới chừng nào còn cần thiết”.
Các nhà lãnh đạo G7 cũng xác nhận sẽ tăng cường hỗ trợ về năng lượng và phát triển cho các nước mới nổi và đang phát triển; nhất trí thực hiện các bước để bảo vệ an ninh lương thực.
Thiết lập một sáng kiến mới để chống lại sự ép buộc kinh tế và cam kết thực hiện các bước để đảm bảo rằng bất kỳ chủ thể nào tìm cách vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế sẽ thất bại và đối mặt với các hậu quả. Tuyên bố nêu rõ sáng kiến mang tên “Nền tảng phối hợp về ép buộc kinh tế” sẽ sử dụng biện pháp cảnh báo sớm và chia sẻ thông tin nhanh chóng về hành vi ép buộc kinh tế, với việc các nước thành viên sẽ họp tham vấn định kỳ.