Tai nạn thương tâm
Ngày 24-7, cháu L.T.T. (11 tuổi, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đang chơi game trên điện thoại và tiếp tục chơi khi cắm sạc điện thoại. Không may, đang chơi game thì L.T.T bị điện giật. Người nhà đã nhanh chóng phát hiện, sơ cứu và đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa II Lâm Đồng để cấp cứu, nhưng cháu T. không qua khỏi.
Trước đó, ngày 24-5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng tiếp nhận và điều trị cho nạn nhân V.T.T. bị chấn thương nặng, dập nát bàn tay do điện thoại phát nổ khi em vừa chơi game vừa sạc điện thoại.
Đa số các tai nạn thương tâm thời gian qua thường xảy ra với các bạn trẻ do mê game, nghiện mạng xã hội và sử dụng điện thoại trong quãng thời gian khá dài khiến máy bị nóng, dễ dẫn đến cháy nổ. Đang dịp nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh thường cho con ở nhà một mình và sử dụng điện thoại khá thoải mái. Nhiều em vì thiếu kiến thức nên khi điện thoại hết pin thì cắm sạc mà vẫn tiếp tục sử dụng, điều này rất nguy hiểm.
Từng là nạn nhân của việc sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin, chứng kiến điện thoại bốc cháy trên tay, anh Võ Văn Tuấn (ngụ quận 12, TPHCM) vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh Tuấn kể: “Vì mải chơi game nên khi điện thoại sắp hết pin, tôi cắm sạc và tiếp tục sử dụng điện thoại, khoảng 15 phút sau điện thoại nóng lên, đầu sạc bốc khói, có mùi khét. Lúc đó tôi mới tá hỏa vội rút dây sạc, chạy ra xa. Thật may mắn do tôi phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc”.
Trong suốt thời gian hè, chị Vũ Thị Đan (quận Bình Tân, TPHCM) vẫn cho con gái 12 tuổi ở nhà một mình chơi với điện thoại, máy tính bảng. Chị Đan thừa nhận, từ trước đến nay chị không mấy quan tâm, chú ý đến việc con dùng điện thoại có đúng cách hay không, cho đến khi thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy nổ điện thoại, chị mới bắt đầu lo lắng.
“Đôi lúc tôi vẫn thấy con dùng điện thoại trong lúc sạc pin. Sau các sự việc xảy ra, tôi chủ động sạc đầy điện thoại, máy tính bảng trước khi đưa cho con dùng và dặn con nên cẩn trọng, chơi một thời gian phải nghỉ để điện thoại không bị nóng”, chị Đan nói.
Không nên chủ quan
Hiện nay, trên thị trường các loại sạc điện thoại nhái, kém chất lượng được bày bán tràn lan. Ghé một tiệm bán linh kiện điện thoại trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM), hỏi mua bộ sạc điện thoại của hãng Apple, chủ cửa hàng đưa cho chúng tôi xem các mẫu sạc với nhiều mức giá khác nhau, từ 40.000-250.000 đồng/bộ, tùy theo chất lượng linh kiện. Người bán thẳng thắn chia sẻ, những loại sạc rẻ tiền chắc chắn khi sử dụng chất lượng sẽ kém ổn định, nhanh hỏng hơn.
Anh Nguyễn Ngọc Ngân, chủ hệ thống cửa hàng Viện di động (TPHCM), cho biết, việc cháy nổ điện thoại trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do sự chủ quan của người dùng nên tai nạn xảy ra. Đối với các loại sạc là hàng nhái, hàng kém chất lượng thường được làm từ những linh kiện rẻ tiền, thông thường chỉ có một tụ cấp áp, khi sạc trong thời gian dài sẽ làm quá tải tụ, gây nóng dễ dẫn đến đoản mạch, cháy nổ.
“Để đảm bảo an toàn cho bản thân, khi sạc điện thoại xong, người dùng nên rút bộ sạc ra khỏi ổ điện. Không nên vừa cắm sạc vừa dùng điện thoại, chọn mua các loại sạc chính hãng, chất lượng tốt; không vì ham giá rẻ mà mua các loại sạc nhái, kém chất lượng, hàng trôi nổi”, anh Ngân khuyến cáo.
Theo Ths Trần Duy Cường, giảng viên bộ môn Điện tử viễn thông, Viện Kỹ thuật Hutech, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, điện thoại khi sử dụng quá lâu (đặc biệt là chơi game, xem video clip trực tuyến...) sẽ tỏa nhiệt, kết hợp với sạc sẽ làm cho điện thoại nóng hơn nhiều lần so với lúc bình thường. Điều này dễ dẫn đến pin bị nóng, phồng pin và gây cháy nổ, hoặc khiến phần cứng của điện thoại bị ảnh hưởng, giảm tuổi thọ của thiết bị.
Thực tế, nguyên nhân gạy ra cháy nổ điện thoại chủ yếu do sử dụng các bộ sạc kém chất lượng, không tương thích hay thường xuyên dùng điện thoại trong quá trình sạc pin làm trở kháng giữa 2 cực pin giảm xuống, nóng lên nhanh chóng. Do vậy, nên sử dụng pin và bộ sạc chất lượng để giữ cho nhiệt độ tỏa ra ở mức vừa phải, hạn chế tối đa việc cháy nổ.
“Trong những ngày hè, phụ huynh thường cho con trẻ ở nhà chơi với điện thoại, do đó cần thường xuyên kiểm tra thiết bị, để sớm phát hiện các dấu hiệu bất thường (như nóng lên quá nhanh, sạc lâu đầy...), theo dõi nhắc nhở con không nên vừa sạc vừa sử dụng điện thoại. Sử dụng những thiết bị điện tử chất lượng, kể cả sử dụng thiết bị chất lượng cũng nên cẩn trọng, phòng tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, phụ huynh có thể quy định thời gian sử dụng điện thoại, hướng con đến những trò chơi vận động bổ ích cho sức khỏe, phát triển thể chất, làm công việc nhà, nhằm giảm bớt thời gian sử dụng điện thoại”, ThS. Trần Duy Cường khuyến cáo. |