
Chương trình nhằm thảo luận, lấy ý kiến chuyên gia về sở hữu trí tuệ và bản quyền sao chép, trước thực trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam; hướng tới hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp và các doanh nghiệp sáng tạo xây dựng hệ thống thương hiệu sáng tạo Việt mạnh mẽ, định danh qua các cột mốc 50+ và tiến tới 100+ nhằm biến sáng tạo thành tài sản quốc gia.
Theo ban tổ chức, nhờ sự đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp đã biến ý tưởng thành tài sản trí tuệ, đặc biệt là sở hữu nội dung trong nền kinh tế số. Do đó, cần chú trọng xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ, sử dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền, trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Trong đó, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm các trụ cột chính: Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao ý thức thông qua tuyên truyền về bản quyền và chiến dịch Việt Nam 50+ thông qua nền tảng blockchain; Cấp phép quyền sao chép hợp pháp, sử dụng tem NFT 50+ ứng dụng công nghệ blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn sử dụng trái phép.
Ngoài ra, còn xây dựng biểu tượng quốc gia thông qua Quảng trường Đại khải hoàn môn và chương trình kỷ lục cộng đồng số “Made by Vietnam" với 1 triệu ý tưởng về sáng tạo, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Ông Mai Tú Anh, Phó chủ tịch, tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cho biết, trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ blockchain, sở hữu trí tuệ không chỉ là quyền lợi mà còn là nguồn tài nguyên chiến lược, chìa khóa mở ra cánh cửa kinh tế số và hội nhập quốc tế cho Việt Nam.
Thực tế, các quốc gia dẫn đầu như Hoa Kỳ đã biến bản quyền thành động lực kinh tế, đóng góp 6,7% vào GDP quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi đứng thứ 9 thế giới về tỷ lệ vi phạm bản quyền.
“Tôi kêu gọi các doanh nghiệp sáng tạo, thế hệ trẻ cùng xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ, tham gia hành trình Việt Nam 50+ và đóng góp ý tưởng cho kỷ lục cộng đồng số “Made by Vietnam”… TPHCM với vai trò tiên phong, sẽ tiếp tục là ngọn cờ đầu, kết nối mọi nguồn lực để hiện thực hóa việc kiến tạo một hệ sinh thái minh bạch, bền vững”, ông Mai Tú Anh nhấn mạnh.