Ngày 18-9, tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang đã diễn ra lễ công bố khởi động dự án “Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh tại An Giang”. Đây là dự án trọng điểm nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Trái tim cho em” do Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) và Đài Truyền hình Việt Nam đồng sáng lập từ năm 2008.
lễ công bố khởi động dự án “Phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh tại An Giang” diễn ra ngày 18-9 Bệnh viện Sản Nhi An Giang. Ảnh: VT
Theo đó Viettel đầu tư trang thiết bị gồm: ống nghe tim điện tử, máy đo bão hoà oxy, cùng với hệ thống phần mềm quản lý trị giá gần 1,6 tỷ đồng cho gần 30 cơ sở y tế tại An Giang.
Dự án được triển khai sẽ giúp các cơ sở sản khoa trên địa bàn tỉnh An Giang có thể hội chẩn nhanh chóng với các bác sỹ tim mạch của Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Tim mạch An Giang, từ đó phát hiện bệnh tim bẩm sinh kịp thời và có phác đồ điều trị sớm cho các trẻ bị bệnh tim bẩm sinh.
Dự kiến, hơn 30.000 trẻ ra đời trong năm 2018-2019 được hưởng lợi từ dự án này. Đối với các trẻ phát hiện bệnh, nếu gia đình khó khăn sẽ được chương trình Trái tim cho em tài trợ kinh phí phẫu thuật/ can thiệp miễn phí.
Việc ứng dụng công nghệ vào phát hiện bệnh tìm sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, công sức của đội ngũ y bác sĩ, các nhà tài trợ, đồng thời hỗ trợ điều kiện tốt nhất để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.
“Tôi mong muốn đây là dự án nhân đạo, nhưng đồng thời cũng là dự án khoa học, là hình mẫu ứng dụng công nghệ 4.0 vào chăm sóc sức khỏe cho trẻ em An Giang nói riêng và người dân cả nước nói chung” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu tại sự kiện.
Thiết bị ống nghe tim điện tử , kết nối internet qua wifi được trang bị sử dụng trong dự án. Ảnh: VT
Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 12.000 trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh ra đời và 25% trong số này là những trường hợp bệnh tim bẩm sinh nặng cần phải mổ can thiệp ngay trong năm đầu để đảm bảo sự sống và tránh những biến chứng nặng.
Một số trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể không có triệu chứng hoặc có những biểu hiện rất nhẹ dễ bỏ sót. Tuy nhiên do hạn chế về kinh phí mà hiện nay nhiều cơ sở sản khoa trên cả nước chưa có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, việc thăm khám và phát hiện sớm bệnh tim bẩm simh ở trẻ sơ sinh gặp nhiều khó khăn.
Chương trình “Trái tim cho em” là chương trình từ thiện hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo dưới 16 tuổi tại Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tổ chức các hoạt động khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em. Chương trình do Quỹ Tấm lòng Việt, Đài Truyền hình Việt Nam và Tập đoàn Viettel phối hợp thực hiện từ năm 2008.
Trong hành trình gần 10 năm qua chương trình đã huy động được hơn 132 tỷ đồng; tiếp nhận hơn 7.000 hồ sơ xin trợ giúp trong đó đã phẫu thuật thành công cho hơn 4.500 hồ sơ bệnh án.
Chương trình cũng đã tài trợ 15,15 tỷ đồng mua trang thiết bị và tài trợ chương trình đào tạo chuyên sâu lĩnh vực tim mạch cho đội ngũ bác sĩ tim mạch tại 7 bệnh viện tim mạch lớn; thực hiện 50 chương trình khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh cho hơn 100.000 trẻ em tại hơn 45 tỉnh thành trên cả nước (Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Gia Lai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Cà Mau, Đăk Lăk, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Quảng Ninh, Bình Phước….).
Hiện nay, chương trình đang hợp tác với 18 bệnh viện, trung tâm tim mạch lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để chữa trị cho các bệnh nhân nghèo trên khắp cả nước. Các gia đình có con bị tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn hãy liên hệ với các cửa hàng giao dịch của Viettel trên toàn quốc để được hướng dẫn làm thủ tục xin trợ giúp từ chương trình.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại lễ khởi động dự án. Ảnh: VT
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, bệnh tim bẩm sinh là bệnh thường gặp, chúng ta có thể phát hiện điều trị sớm. Với sự đầu tư của Viettel, cùng với sự hỗ trợ của Sở y tế An Giang, Bệnh viện Tim mạch An Giang, Bệnh viện Sản Nhi An Giang, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và chương trình “Trái tim cho em”; tin rằng dự án sẽ được thử nghiệm thành công tại An Giang và sớm được nhân rộng mô hình ra cả nước qua đó góp phần sàng lọc và phát hiện kịp thời bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em, giúp phát hiện và điều trị kịp thời cho trẻ.
“Là bác sĩ, chúng tôi muốn tìm phương tiện tối thiểu nhất nhưng hiệu quả nhất để các đồng nghiệp phát hiện sớm bệnh tim cho các cháu bé. Cùng với Viettel, chúng tôi đã khởi động dự án này ở An Giang. Ví dụ, chiếc ống nghe được tài trợ khá đặc biệt, có khả năng khuếch đại âm thanh, sau đó qua internet truyền tín hiệu tiếng tim về hệ thống. Cùng ý tưởng về việc ứng dụng công nghệ chăm sóc sức khoẻ 4.0 với Viettel, hiện nay chúng tôi đã xây dựng phần mềm quản lý, có tính năng bảo đảm, lưu giữ, phân tích tiếng tim được các cơ sở y tế gửi về. Khi hệ thống cảnh báo, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và có chỉ định điều trị kịp thời cho gia đình người bệnh. Đây là cơ hội để chúng ta dùng CNTT vào quản lý sức khoẻ cho mọi người”- PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.