Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đây là vấn đề khó, lớn, phức tạp, phạm vi rộng, tư liệu, tài liệu, dữ liệu chưa nhiều, đòi hỏi nghiên cứu và xây dựng công phu, đánh giá đúng, trúng tình hình, chỉ rõ nguyên nhân trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, trung thực. Từ đó, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới bảo đảm sát thực tiễn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, khả thi, hiệu quả, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng đề án cần bám sát thực tiễn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước qua các thời kỳ; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự báo xu thế CNH-HĐH trên thế giới và khu vực để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. CNH-HĐH lấy nội lực (con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa - lịch sử) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Xác định con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, phát huy tối đa năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng cũng nêu rõ yêu cầu về đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho CNH-HĐH; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, phát triển công nghiệp quốc phòng gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia; xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, phát triển hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ…
* Chiều cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tổ biên tập xây dựng đề án.