Sự đồng thuận sống còn

Với tư cách là một trong những thành viên tham gia sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa có bài phát biểu nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập ASEAN. Ông nhấn mạnh rằng, ASEAN đoàn kết là một trong những yếu tố chính góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Đây là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển của khối trên cả các mặt trận chính trị - an ninh và kinh tế.

Với tư cách là một trong những thành viên tham gia sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa có bài phát biểu nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập ASEAN. Ông nhấn mạnh rằng, ASEAN đoàn kết là một trong những yếu tố chính góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Đây là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược phát triển của khối trên cả các mặt trận chính trị - an ninh và kinh tế.

Tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 tại Myanmar, cả thế giới hướng về ASEAN và tất cả đều nhận ra rằng, chưa bao giờ ASEAN thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao như thế trong một vấn đề nóng không chỉ trong khu vực, mà của cả quốc tế. Đó là vấn đề hòa bình, an ninh trên biển Đông. Những tiếng nói đồng lòng của các vị nguyên thủ cho thấy một ASEAN đang ngày càng trưởng thành hơn, đoàn kết hơn và chủ động hơn trong việc đảm bảo lợi ích khối cũng như lợi ích với các đối tác quốc tế, nhằm bảo vệ uy tín của cả cộng đồng ASEAN.

Lần đầu tiên trong 20 năm, các Ngoại trưởng ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về biển Đông, kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Tuyên bố Nay Pyi Taw được công bố cuối hội nghị cũng đã đề cập chi tiết đến những quan ngại về căng thẳng tại biển Đông. Tinh thần này đang được tiếp nối và chờ đợi sẽ có những động thái tích cực hơn nữa trong Hội nghị cấp ngoại trưởng thường niên của Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN vào ngày 10-8 tới.

Bên cạnh bảo đảm lợi ích chung về chính trị - an ninh, đoàn kết trong ASEAN còn là điều kiện để thúc đẩy một môi trường kinh tế phát triển của khu vực, đẩy tính cạnh tranh ra toàn cầu. ASEAN hiện có hơn 600 triệu người với tổng GDP 2.300 tỷ USD. Xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 là một trong những nhiệm vụ ưu tiên để nhằm tạo ra một thị trường đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ. Như nhận định của giới chuyên gia, châu Á đâu chỉ có Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường màu mỡ.

Từ cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới bùng phát từ năm 2008 thì đến nay, ASEAN đã thể hiện rõ được mình là nhân tố tích cực hợp tác để vực dậy các đối tác từ Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác như Ấn Độ, Australia… Vì thế, sự nhất trí cao giữa các quốc gia khu vực ASEAN cần phải được duy trì để giữ được vai trò hạt nhân của cộng đồng này trong việc kết nối kinh tế trong khu vực châu Á.

Lãnh đạo các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nghĩ đến khả năng bàn thảo về Hiệp định về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN (RCEP) gồm 16 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nòng cốt là 10 quốc gia ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia. Hiện tại, 16 quốc gia này đang chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu và ước tính, RCEP khi ra đời sẽ trở thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh WTO.

Mối đoàn kết bền vững sẽ giúp ASEAN phát triển dài hạn. Từ đó tạo điều kiện dễ dàng hơn để ASEAN tích cực phát huy tiếng nói của mình trong những vấn đề liên quan sát sườn đến khu vực về hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển khu vực.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục