Sự đa dạng hình thái trong quần thể Nghĩa Sâm vừa được phát hiện tại Quảng Ngãi

Ngày 11-4, UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang phối hợp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu nguồn gốc, giá trị dược liệu của Nghĩa Sâm vừa được phát hiện trên địa bàn huyện Bình Sơn.

nghĩa sâm
UBND huyện Bình Sơn phối hợp Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu thực địa tại khu vực phát hiện Nghĩa Sâm mà người dân đem về trồng. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Tống Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bình Sơn, cho biết: “Mới đây, người dân ở xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn tìm trong tự nhiên, phát hiện một loài sâm và đem về trồng trong vườn nhà. Sau khi nghiên cứu các đặc điểm nhận dạng bên ngoài, chúng tôi nhận thấy các đặc điểm tương đồng với Nghĩa Sâm, một loại sâm quý hiếm có nguồn gốc từ xa xưa, đang có nguy cơ mai một”.

Ngay sau khi phát hiện, UBND huyện Bình Sơn phối hợp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) kiểm tra thực địa, phân tích, nghiên cứu nguồn gốc và giá trị dược liệu của Nghĩa Sâm.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của Trường Đại học Sư phạm do PGS-TS Nguyễn Minh Lý, chủ nhiệm đề tài, cho thấy, qua khảo sát thực địa và mô tả tại chỗ kết hợp phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu đã ghi nhận sự đa dạng hình thái đáng kể trong quần thể Nghĩa Sâm được thu thập tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Dù tất cả các mẫu đều mang những đặc điểm chung của chi Abelmoschus, song vẫn có sự biến thiên rõ rệt về hình dạng lá, màu sắc thân, kích thước hoa và hình thái quả giữa các cá thể thuộc các vị trí sinh thái khác nhau. Sự khác biệt về mặt hình thái có thể phản ánh tác động của điều kiện vi khí hậu, thổ nhưỡng hoặc quá trình chọn lọc tự nhiên tại từng khu vực.

Nhóm nghiên cứu đã mã hóa các đặc điểm hình thái thành 20 chỉ tiêu nhị phân và đa trạng, sau đó phân tích cụm để xác định các nhóm hình thái tương đồng.

Kết quả cho thấy, quần thể Nghĩa Sâm có thể được chia thành ba nhóm hình thái chính, với mức độ phân tách tương đối rõ ràng. Đây là một phát hiện quan trọng, cho tiềm năng phong phú của Nghĩa Sâm không chỉ ở cấp độ phân tử mà còn ở cấp độ hình thái – mở ra cơ hội cho công tác chọn lọc giống và bảo tồn đa dạng sinh học nội loài.

Sự đa dạng hình thái trong quần thể Nghĩa Sâm vừa được phát hiện tại Quảng Ngãi
Trong số các loài sâm tại khu vực vườn sâm do người dân trồng thì có những cây mang đặc điểm hình thái của Nghĩa Sâm. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Loài Nghĩa Sâm được ghi nhận là cây thân thảo sống lâu năm, cao trung bình từ 1,2–2,0m, thân thẳng đứng, màu lục nhạt hoặc lục pha tím, có nhiều lông tơ mịn bao phủ toàn thân. Lá mọc cách, cuống lá dài 12–25cm, có lông, phiến lá rộng 10–18cm, chia thùy rõ rệt thành 5–7 thùy hình chân vịt; mép lá có răng cưa nhỏ, gân lá nổi rõ hình chân vịt. Lá non có màu xanh nhạt, về già chuyển xanh đậm.

Hoa mọc đơn lẻ ở nách lá, đường kính hoa từ 6–8cm, cánh hoa màu vàng nhạt, gốc cánh thường có đốm tím sẫm đặc trưng, tạo dấu hiệu nhận dạng dễ phân biệt với các loài khác trong chi Abelmoschus. Đài hoa hình chuông, bao bọc nụ hoa khi chưa nở, rụng cùng cánh sau khi hoa tàn. Bộ nhị hợp thành ống nhị bao quanh vòi nhụy, có màu trắng kem. Quả dạng nang, hình trụ hoặc hình thoi, dài 7–10cm, có 5 cạnh dọc nổi rõ, mặt ngoài có nhiều lông cứng ngắn. Khi chín, quả nứt theo chiều dọc thành 5 mảnh.

Hạt có màu nâu đen, có vân đồng tâm trên bề mặt, đường kính trung bình 3–4mm. Các đặc điểm hình thái này phù hợp với nhóm thực vật thuộc loài Abelmoschus manihot, tuy nhiên có một số đặc điểm riêng biệt như màu hoa nhạt hơn, lá rộng và ít phân thùy hơn – cho thấy khả năng đây là một biến thể địa phương hoặc giống bản địa đặc hữu của khu vực Bình Sơn, Quảng Ngãi.

nghiên cứu
Hiện nay, Nghĩa Sâm vẫn đang được nghiên cứu, tuy nhiên trước những thông tin mới về loài sâm được phát hiện này sẽ mở ra hướng bảo tồn, phát triển dược liệu. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm áp dụng cách tiếp cận đa chiều để nghiên cứu cây Nghĩa Sâm. Điều này không chỉ bao gồm việc khảo sát thực địa và thu thập mẫu, mà còn kết hợp phân tích các tài liệu lịch sử, nhằm hiểu rõ hơn về giá trị và quá trình khai thác của loại dược liệu này. Cách tiếp cận sẽ xác định được nguồn gốc, đặc điểm sinh học và tiềm năng phục hồi Nghĩa Sâm trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

Ông Tống Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bình Sơn, cho biết: “Bằng các biện pháp nhân giống và trồng khảo nghiệm, sau khi có kết quả và có nguồn giống chuẩn Nghĩa Sâm, huyện sẽ tiến hành thử nghiệm trên diện rộng để đánh giá khả năng thích nghi, năng suất dược liệu Nghĩa Sâm này”.

Nghĩa Sâm, một loại sâm quý hiếm, đã xuất hiện trong nhiều tài liệu lịch sử nổi tiếng như Đại Nam thực lục và Đại Nam nhất thống chí, phản ánh tầm quan trọng của loài cây này trong nền văn hóa và y học cổ truyền Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục