Mới đây, ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho biết: “Tội” lớn nhất thuộc về cơ quan đăng kiểm, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở đây, có thể dẫn đến tham nhũng hoặc tiêu cực, chỉ cần cơ quan hình sự vào cuộc thì mọi chuyện sẽ được sáng tỏ.
Ông Võ Thiên Lăng cho biết thêm: Đó là những hành vi cố ý, cơ quan Công an phải làm rõ việc này. Quan điểm của Chính phủ cũng như vậy, ai vi phạm vào Nghị định 67 đều phải truy tố trách nhiệm hình sự, bất cứ trong hay ngoài ngành.
Còn đối với các doanh nghiệp đóng tàu để xảy ra hư hỏng, ông Lăng nhìn nhận: “Anh đã vi phạm, đóng tàu kém chất lượng, “dỏm” cho ngư dân rồi, giờ đây anh lại dùng tiền để dụ ngư dân rút đơn kiện. Như thế, âm mưu của các anh là gì? Bỏ tiền vào như vậy thì tội của các anh còn lớn nữa, cái này là các doanh nghiệp đang cố ý chạy tội…”.
Ông Lăng chia sẻ thêm: Còn về máy móc, vỏ thép, thiết bị đánh bắt kém chất lượng, không chính hãng thì cần truy cứu trách nhiệm thuộc về bên đã ký mua máy đó. “Phải đặt câu hỏi, máy ấy là ai đứng ra mua? Nhà máy đóng tàu hay chủ tàu? Ai đứng ra mua cái đó thì người đấy phải chịu trách nhiệm, chứ chẳng liên quan gì đến bên cung cấp cấp máy.”, ông Lăng chia sẻ.
Chiều ngày 17-6, trao đổi với Báo SGGP, ông Trần Châu – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm: “Bên đăng kiểm chỉ kiểm tra việc hoạt động của con tàu thôi, chứ chưa có kiểm tra kỹ về vấn đề máy móc, thiết bị cũng như chất lượng vỏ thép, chất lượng máy móc của các con tàu, đây là thiếu sót của cơ quan đăng kiểm.”
Cũng theo ông Châu, Công an tỉnh Bình Định đã báo cáo với Bộ Công an để truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện, Bộ Công an đã đồng ý và chỉ đạo Công an tỉnh Bình Định vào cuộc điều tra sai phạm trong vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng.