Tham dự cuộc họp có đại diện Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật (Bộ Công an); Cục Quản lý Công nghệ - An ninh và Doanh nghiệp; đại diện hai doanh nghiệp ký hợp đồng đóng tàu cho ngư dân, cùng với các ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng…
Kết quả thảo luận giữa Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và 5 ngư dân có tàu vỏ thép do công ty này đóng thống nhất, kiểm tra tổng thể lại mẫu thép, nếu thép Trung Quốc đạt cấp A, đủ tiêu chuẩn đóng tàu thủy thì giữ lại. Vị trí thép nào không đạt cấp A, đề nghị thay lại thép Hàn Quốc cấp A. Ngư dân đề nghị Công ty Đại Nguyên Dương phải trả lại chi phí chênh lệch giữa giá trị thép Hàn Quốc và Trung Quốc cho ngư dân. Đồng thời, Công ty Đại Nguyên Dương phải thay thế lại máy dò, hệ thống máy dò cho ngư dân; hầm bảo quản thì cơ sở đóng tàu phải sửa chữa, khắc phục lại theo đúng tiêu chuẩn. Thời gian khắc phục sửa chữa từ ngày 20-7 đến 20-8; mọi kinh phí khắc phục công ty chịu hoàn toàn.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu cũng đã thống nhất với ngư dân là sẽ kéo 11 tàu của ngư dân lên đà tại cảng Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) để khắc phục, thay lại máy mới cho ngư dân. Thời gian khắc phục chia ra làm 2 đợt: đợt 1 hoàn thành vào ngày 15-7, doanh nghiệp sẽ lắp 7 máy cho tàu ngư dân; 4 tàu còn lại, doanh nghiệp này sẽ nhập máy về sau, hoàn thành khắc phục vào ngày 15-8. Công ty Nam Triệu cam kết chịu 100% kinh phí khắc phục và kinh phí lai dắt tàu đến địa điểm khắc phục.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù các doanh nghiệp chịu khắc phục sự cố tàu vỏ thép cho ngư dân nhưng UBND tỉnh vẫn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các cơ quan chức năng, phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị làm ăn gian dối. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ NN-PTNT phải chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) phải giám sát, kiểm định chất lượng các tàu cá sau khi 2 công ty khắc phục xong; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kéo nợ, giãn nợ cho các ngư dân có tàu cá hư hỏng thời gian qua.