Sở NN-PTNT Bình Định cũng yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) phải đứng ra chịu hoàn toàn trách nhiệm giám sát, kiểm định công tác khắc phục tàu cá cho ngư dân. Tuy nhiên, khi phương án khắc phục chưa được UBND tỉnh cũng như Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định thông qua thì doanh nghiệp đã tự ý tiến hành sửa chữa tàu cho ngư dân.
Tàu cá vỏ thép tại Bình Định hư hỏng phải nằm bờ
Trước đó, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT thành lập Tổ giám sát quá trình khắc phục các tàu hư hỏng, gỉ sét của 2 Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu. Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định cũng đã báo cáo Bộ NN-PTNT về việc thành lập Tổ giám sát này. Theo đó, các thành viên giám sát có cả đại diện cơ quan công an; Sở Tư pháp; phòng kinh tế, phòng nông nghiệp các huyện có tàu cá hư hỏng. Tỉnh Bình Định yêu cầu Tổ giám sát phải phối hợp với chính quyền địa phương các huyện rà soát chi tiết, tổng thiệt hại của những ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng để buộc các doanh nghiệp bồi thường thiệt hại cho ngư dân.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Tổ giám sát của tỉnh chỉ có trách nhiệm làm việc bên cạnh, chứ không thay thế chức năng đăng kiểm tàu cá. Nếu phát hiện có sai phạm về thủ tục trong khâu đăng kiểm, khắc phục tàu cá, Tổ giám sát sẽ báo cáo ngay với UBND tỉnh để có biện pháp can thiệp kịp thời.
“Chúng tôi đã làm việc với Bộ NN-PTNT và bộ này cũng đã đồng ý và chỉ đạo cơ quan đăng kiểm phải cử đăng kiểm viên vào giám sát, kiểm định các thiết bị vật tư, trước khi sửa chữa, khắc phục. Khi tàu sửa chữa xong, chất lượng con tàu sửa chữa theo như mới, bên kiểm định phải chịu trách nhiệm về yêu cầu này. Cuối cùng, khi tàu sửa chữa xong, đăng kiểm viên phải kiểm tra lại một lần nữa, xem đã bảo đảm để tàu ra khai thác được hay chưa. Việc sửa chữa phải đúng theo hợp đồng doanh nghiệp đã ký với ngư dân trước đó. Trung tâm đăng kiểm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, để giải quyết hậu quả. Về địa điểm đóng tàu có đủ năng lực hay không? Việc này cũng thuộc trách nhiệm của bên đăng kiểm…”, ông Phan Trọng Hổ cho biết.
Cũng theo Sở NN-PTNT Bình Định, từ sau cuộc họp cuối cùng (chiều 30-6), các doanh nghiệp đã chấp thuận, thống nhất các phương án khắc phục tàu cá cho ngư dân. Thời hạn giao nộp phương án khắc phục được Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đưa ra là vào ngày 4-7. Thế nhưng, đến nay Sở NN-PTNT chỉ mới nhận được phương án sửa chữa chi tiết từ Công ty TNHH MTV Nam Triệu, còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương vẫn chưa thấy đưa ra phương án khắc phục. Sở NN-PTNT Bình Định đã gia hạn thêm cho Công ty Đại Nguyên Dương đến hết ngày 8-7.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi vào ngày 6-7, mặc dù phương án khắc phục tàu cá của Công ty TNHH MTV Nam Triệu chưa được UBND tỉnh Bình Định và Sở NN-PTNT thông qua nhưng doanh nghiệp này đã kéo 5 con tàu của ngư dân tại huyện Hoài Nhơn lên đà sửa chữa tại cảng Tam Quan (Hoài Nhơn). Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, do các chủ tàu quá nóng vội, muốn khắc phục tàu cho nhanh để ra khơi đánh bắt vì thế đã để doanh nghiệp kéo tàu lên đà sửa chữa. Trước đó, huyện Hoài Nhơn đã khuyến cáo ngư dân không nên thỏa hiệp bất kỳ điều gì khi chưa có quyết định chính thức của UBND tỉnh.
Trước sự việc trên, Sở NN-PTNT Bình Định đã kêu gọi các ngư dân họp bàn phương án khắc phục. Lãnh đạo sở này một lần nữa cảnh báo, ngư dân không nên tự ý để doanh nghiệp đưa tàu lên sửa chữa. Nếu ngư dân tự ý sửa chữa, sau này có trục trặc hay hư hỏng gì thì phải tự chịu trách nhiệm. “Như chúng tôi đã thông báo, hai doanh nghiệp đóng tàu chỉ được phép sửa chữa khi nào phương án đã được UBND tỉnh đồng ý. Hiện 5 con tàu ở Hoài Nhơn do Công ty Nam Triệu đóng đã đưa lên đà sửa chữa, chúng tôi chưa công nhận bước đi này. Khi nào phương án được UBND tỉnh phê duyệt, qua thẩm định của Sở NN-PTNT thì lúc đó mới chính thức sửa chữa”, ông Phan Trọng Hổ cho hay.