Tại cuộc họp báo, Sở Y tế Nghệ An cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Hội đồng chuyên môn do Sở thành lập gồm các nhà khoa học trong tỉnh và chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học để tìm nguyên nhân.
Qua đó, các nhà chuyên môn kết luận: Bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Hệ thống dẫn nước RO của Bệnh viện HNĐK Nghệ An được lắp đặt trước năm 2016, trước khi Nghị định 36/2016/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực. Trên hệ thống dẫn nước RO đã trang bị có nhiều điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước.
Hội đồng chuyên môn kiến nghị việc khắc phục sự cố, đó là Bệnh viện HNĐK Nghệ An phải rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo; thay toàn bộ hệ thống dẫn nước RO theo tiêu chuẩn quy định.
Trước đó, như SGGP đã thông tin, ngày 30-7, tại Khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu Bệnh viện HNĐK Nghệ An có 21 bệnh nhận đang tiến hành chạy lọc thận nhân tạo thì bất ngờ có 6 bệnh nhân có biểu hiện lạ như rét run, tăng huyết áp, chóng mặt, khó thở, tức ngực,...
Cả 6 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức - Chống độc để cấp cứu, trong đó có 3 bệnh nhân bị nặng. Sau khi ổn định sức khỏe, 3 bệnh nhân nhẹ hơn xin được về nhà, 1 bệnh nhân xin được điều trị tại địa phương, còn 2 bệnh nhân nặng được chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai. Hiện sức khỏe 2 người này đang tiến triển tốt.
Sau sự cố hệ thống máy chạy thận nêu trên, 132 bệnh nhân đang điều trị nội và ngoại trú tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa 115, Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh và Bệnh viện Quân y 4 để tiếp tục điều trị.