Từ siêu thị đến trung tâm thương mại…
Trong số 27 doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn từ ngày đầu thành lập vào năm 1995 có cái tên Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp TP (địa chỉ 135 Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM). Năm 1997, cửa hàng này trở thành Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn, một trong những nơi buôn bán sầm uất nhất vào thời điểm đó.
Ngày 27-10-1998, trong khuôn viên Công ty Bán lẻ này, SATRA đã khai trương cửa hàng mini TAX – trở thành đơn vị thương nghiệp quốc doanh đầu tiên bán hàng bằng phương thức tự chọn và tính tiền qua phần mềm. Đây được xem là những bước chân đầu tiên của SATRA trên con đường khẳng định vị thế trong lĩnh vực bán lẻ. Năm 2000, Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn đổi tên thành Thương xá TAX. Cùng thời điểm, SATRA đầu tư xây dựng siêu thị bán lẻ đầu tiên của mình: Siêu thị Sài Gòn. Ngày 27-9-2001, tại địa chỉ số 34 (nay là số 460) đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10, siêu thị Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động.
Sau 11 năm hoạt động, Siêu thị Sài Gòn được nâng cấp với không gian mua sắm mới lạ. Siêu thị tự chọn có đến khoảng 50.000 mặt hàng. Đặc biệt, tại đây hai thương hiệu mới của SATRA là Satra Bakery và Satra Foodcourt lần đầu tiên ra mắt. Quầy bánh mì Satra Bakery với nhiều loại bánh lần đầu tiên được bày bán, với sự tư vấn chuyên môn của thợ làm bánh người Pháp. Còn Satra Foodcourt là khu vực đồ ăn đã được chế biến sẵn, luôn nóng hổi, đảm bảo vệ sinh, khách hàng có thể ăn tại chỗ hoặc mua mang về. Sau khi khai trương diện mạo mới, siêu thị Sài Gòn nổi tiếng với các chương trình khuyến mại “giá sốc”: không chỉ được giảm giá đến mức tối đa 49% theo quy định, khách còn được tặng quà, thưởng thức văn nghệ, hài kịch miễn phí hay quay số trúng thưởng khi có hóa đơn đạt đến trị giá nhất định. Nhờ vậy, lượng khách hàng tăng đến 30%. Siêu thị đã trở thành nơi giới thiệu các sản phẩm “made in Việt Nam” bởi tỉ lệ hàng Việt luôn chiếm hơn 95%.
Đầu năm 2012, SATRA khai trương trung tâm thương mại đầu tiên, mang tên Centre Mall Phạm Hùng. Rộng 14.830m², Centre Mall Phạm Hùng đã đáp ứng được chỉ đạo của UBND TPHCM về việc phát triển mạng lưới bán lẻ văn minh phục vụ khu vực ngoại thành. Hai năm sau đó, việc liên kết với Công ty TNHH MTV Ngôi Sao Cineplex BHD và các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, Centre Mall đã được làm mới với khu vực siêu thị tự chọn Satramart có trên 35.000 mặt hàng ở tầng trệt; tầng 2 và 3 là các nhà hàng ẩm thực, gian hàng thời trang, mỹ phẩm... Tầng 4 là cụm rạp BHD Cineplex với 2 phòng chiếu đạt chuẩn rạp chiếu 3D.
Ngày 25-09-2014, một biểu tượng của Sài Gòn là Thương xá TAX đóng cửa để bàn giao mặt bằng phục vụ cho tuyến Metro. Ban lãnh đạo SATRA đã nhanh chóng quyết định di dời Siêu thị TAX sang vị trí khác. Chỉ sau 2 tháng, ngày 25-11-2014, Siêu thị TAX mở cửa trở lại tại tầng 2 tòa nhà Lucky Plaza, với hệ nhận diện Satramart hoàn toàn mới - kết hợp giữa hệ nhận diện của SATRA và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods. Siêu thị TAX vẫn giữ được nét đặc trưng với hơn 20.000 chủng loại sản phẩm đậm chất Việt, là điểm dừng chân không thể thiếu trên hành trình khám phá TPHCM của du khách nước ngoài.
Tháng 04-2018, để mở rộng kinh doanh, SATRA thuê luôn tầng trệt và tầng 1 của tòa nhà Lucky Plaza hình thành Trung tâm thương mại Lucky Plaza, thu hút các thương hiệu nổi tiếng như House Of Luggage… Năm 2019, Siêu thị TAX liên kết mở cửa hàng Miniso và The Craft House ngay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Hành trình “chiếm lĩnh” khu vực vùng ven có thêm mốc son vào ngày 28-11-2018 khi SATRA khai trương Trung tâm thương mại Centre Mall Củ Chi. Là trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất ở Củ Chi hiện nay được xây dựng trên diện tích hơn 12.000m², gồm 3 tầng, Centre Mall Củ Chi là nơi cung cấp nhiều tiện ích hoàn hảo dành cho gia đình như: siêu thị Satramart, cửa hàng mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi thiếu nhi… Đặc biệt, tại đây còn có siêu thị Satramart với gần 30.000 mặt hàng kinh doanh tự chọn.
Trong suốt quá trình hoạt động, các siêu thị và trung tâm thương mại luôn tự làm mới mình bằng cách liên tục thay đổi layout và mời thêm nhiều doanh chủ vào cùng hợp tác. Việc liên kết không chỉ ở một đơn vị mà tạo thành chuỗi, điển hình như siêu thị Sài Gòn có Highlands Coffee thì Trung tâm thương mại Phạm Hùng và Củ Chi cũng không thiếu Highlands Coffee…
Những con số về sự tăng trưởng doanh thu là minh chứng cụ thể nhất cho quá trình “chuyển mình” của các siêu thị và trung tâm thương mại của SATRA. So với năm 2015, doanh thu của siêu thị TAX đến cuối năm 2019 đã tăng gấp 4,4 lần; còn doanh thu của trung tâm thương mại Phạm Hùng đã tăng hơn 35%.
Thành công từ việc lựa chọn lối đi riêng
Ngày 10-05-2011, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi SATRA (gọi tắt là Satrafoods) ra mắt cửa hàng đầu tiên với mô hình ít doanh nghiệp nào hướng đến. Đó là mang mô hình chợ truyền thống thu nhỏ vào cửa hàng hiện đại với đầy đủ quầy thịt, cá, rau củ quả…
Đại diện SATRA cho biết, việc có nhiều đơn vị thành viên trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm đã giúp SATRA có những liên kết nội bộ chặt chẽ, vừa đảm bảo được số lượng và chất lượng sản phẩm, vừa có giá cả cạnh tranh. Vì vậy, Satrafoods mạnh dạn đưa ra phương châm hoạt động là “Hàng tận gốc – Tươi mỗi ngày”. Những thách thức từ mô hình này không ít, như việc khử mùi tanh trong cửa hàng (do có bán cá) cũng tốn rất nhiều tâm sức. Hết năm 2011, Satrafoods đã có cửa hàng thứ 6. Đến cuối 2014, Satrafoods đạt cột mốc 50 cửa hàng. Mô hình kinh doanh của các cửa hàng được tổ chức đa dạng nhằm phù hợp với đặc điểm dân cư xung quanh, như có cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây, cửa hàng bán thức ăn nhanh… nhưng vẫn giữ được khu vực tươi sống như triết lý kinh doanh ban đầu. Năm 2015, Satrafoods bắt đầu xuất hiện nhiều ở vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi…
Sau 5 năm, số lượng mặt hàng đã tăng từ 2.000 lên 4.000; số lượng nhân viên cũng tăng từ hơn 100 người lên đến gần 800 người; tổng số lượt khách ghé mua sắm ở các cửa hàng đạt gần 19.700 lượt khách/ngày, doanh thu năm 2015 của Satrafoods đạt gần 530 tỉ đồng.
Năm 2016, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods đạt cột mốc 100 cửa hàng. Đầu tháng 01-2017, cửa hàng đầu tiên ở Cần Thơ được khai trương, mở đầu cho hành trình “phủ sóng” tại thành phố miền Tây sông nước này. Chỉ sau đó vài tháng, từ một cửa hàng đầu tiên, SATRA đã có 10 cửa hàng Satrafoods tại Cần Thơ. Năm 2018, Satrafoods có hơn 200 cửa hàng. Không chỉ tăng nhanh về số lượng, Satrafoods còn bổ sung thêm nhiều dòng sản phẩm và đa dạng hóa mô hình kinh doanh.
Theo đó, Satrafoods phát triển hàng trăm sản phẩm sơ chế, tẩm ướp sẵn nhằm giúp khách hàng chế biến bữa ăn nhanh, tiết kiệm thời gian và công sức khi vào bếp. Satrafoods cũng ra mắt mô hình cửa hàng Thanh niên với 100% cán bộ, nhân viên đều là Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ra mắt cửa hàng mang mô hình 2 trong 1 với khu mua bán tự chọn thực phẩm ở tầng trệt và khu kinh doanh ẩm thực ở tầng 1.
Năm 2018, SATRA lần đầu tiên đưa cửa hàng Satrafoods vào kinh doanh trong bệnh viện và minh chứng cho sự thành công của mô hình này chính là doanh thu của cửa hàng luôn dẫn đầu trong toàn chuỗi. Cuối năm 2019, Satrafoods lại “dấn thân” phục vụ cho một phân khúc khách hàng mới – cộng đồng người Hồi giáo, khi mở ra cửa hàng Thực phẩm tiện lợi Halal. Đây cũng là cửa hàng thực phẩm tiện lợi đầu tiên tại TPHCM được Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TPHCM cấp chứng nhận HALAL.
Trong khi đó ở TP Cần Thơ, 2/8 cửa hàng Satrafoods đã được địa phương này chọn là điểm bán hàng Việt Nam cố định trong hai năm 2019 và 2020. Sự chuyển mình liên tục của Satrafoods đã đưa tỉ lệ nhận biết thương hiệu Satrafoods lên đến 90% theo kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Tita vào năm 2016. Trong khoảng thời gian từ 2015 đến hết 2019, doanh số chuỗi cửa hàng Satrafoods TPHCM tăng hơn 284%, doanh số trung bình của một cửa hàng tăng hơn 35%, số lượt khách hàng mua trong một ngày tăng hơn 214%. Ở Cần Thơ, doanh thu toàn chuỗi cuối năm 2019 đã tăng hơn 11 lần so với năm 2017.
Để đảm bảo cho toàn bộ hệ thống bán lẻ được vận hành trơn tru và hiệu quả, nhiều hoạt động bổ trợ cho hệ thống bán lẻ đã được thiết lập như: hình thành Trung tâm Phân phối SATRA làm “trái tim” luân chuyển hàng hóa cho toàn hệ thống; nâng cấp các kho bãi; sử dụng phần mềm quản lý hàng hóa, tính tiền chung cho toàn hệ thống AX Dynamic; phát triển thẻ và ứng dụng dành cho khách hàng thân thiết Satra Bonus; thống nhất số hotline 18001191… Một số mặt hàng mang thương hiệu SATRA cũng được ra mắt như: đường SATRA, nước giặt SATRA, túi SATRA thân thiện với môi trường; đưa thêm dòng sản phẩm gạo xá SATRA vào cửa hàng… SATRA cũng chọn hướng kinh doanh “xanh” từ rất sớm, khi từ nửa cuối năm 2016 đã thay toàn bộ rổ nhựa đựng rau thành thùng gỗ, tạo nên không gian mua sắm thân thiện hơn.
Trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu của SATRA vẫn là “Đẩy mạnh và phát triển chuỗi bán lẻ SATRA”, với các chỉ tiêu cụ thể là đến cuối năm 2025 có 5 siêu thị Satramart, 4 trung tâm thương mại; tùy vào tình hình thị trường sẽ duy trì từ 150 – 250 cửa hàng mang thương hiệu SATRA.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của hệ thống bán lẻ. “Trong cái khó ló cái khôn”, hệ thống bán lẻ đã nhanh chóng tổ chức thêm nhiều hình thức mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến. Ngay Siêu thị TAX cũng bổ sung hình thức bán hàng qua mạng đối với các sản phẩm thịt tươi sống của VISSAN – điều mà trước đây siêu thị này không bao giờ làm vì đặc thù vị trí và khách hàng. Những thay đổi kịp thời, sáng tạo, đột phá đã giúp doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 của hệ thống bán lẻ SATRA đạt hơn 70% so với kế hoạch.
Những bước chân của hệ thống bán lẻ SATRA không phải là nhanh nhất trong lĩnh vực bán lẻ cả nước, nhưng SATRA luôn biết chọn thời điểm để “chuyển mình” và tìm kiếm lối đi riêng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Như một vận động viên đường trường, hệ thống bán lẻ SATRA luôn bền bỉ nghiên cứu, bền bỉ hành động, bền bỉ ghi những mốc son trên hành trình đi tới của mình.