4 tổng thống bị sát hại
Ngày 14-4-1865, Tổng thống Abraham Lincoln - vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, bị bắn chết khi ông và vợ - bà Mary Todd Lincoln, đang xem vở hài kịch Our American Cousin tại Nhà hát Ford ở Washington. Ông Lincoln là tổng thống đầu tiên bị ám sát. Sự ủng hộ của ông đối với quyền của người da màu được xem là động cơ ám sát.
Trước đó 2 năm, năm 1863, Tổng thống Lincoln đã ban hành Tuyên ngôn giải phóng nô lệ, thực hiện sứ mệnh chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ, nhưng nội chiến đã nổ ra vào năm sau, khi các tiểu bang miền Nam phản kháng. Đến ngày 2-7-1881, Tổng thống James Garfield - tổng thống thứ 20 của Mỹ, bị bắn chết tại một nhà ga xe lửa ở Washington, 6 tháng sau khi nhậm chức. Theo truyền thông Mỹ, đã có bằng chứng lịch sử cho thấy ông Garfield có thể đã sống sót, nhưng các bác sĩ đã xử lý vụ việc không tốt và ông qua đời vào tháng 9.
20 năm sau, ngày 6-9-1901, Tổng thống William McKinley, tổng thống thứ 25, bị một kẻ thất nghiệp bắn tại Triển lãm Liên châu Mỹ ở Buffalo và chết vì hoại tử 8 ngày sau đó, 6 tháng sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Ngày 22-11-1963, Tổng thống John F. Kennedy bị bắn chết trong đoàn xe hộ tống ở trung tâm thành phố Dallas. Hai ngày sau, kẻ tình nghi là thủ phạm, Lee Harvey Oswald, một cựu lính thủy đánh bộ, bị chủ hộp đêm Jack Ruby bắn chết khi đang được cảnh sát áp giải ra xe để chuyển trại giam. Một ủy ban do Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren đứng đầu sau đó tuyên bố Oswald là kẻ ám sát duy nhất.
Ngoài 4 tổng thống Mỹ (3 tổng thống đảng Cộng hòa và 1 tổng thống thuộc đảng Dân chủ) bị sát hại khi đang tại nhiệm còn có các tổng thống bị ám sát hụt. Đó là cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, trong thời gian đang chuẩn bị quay lại Nhà Trắng, bị bắn bị thương ở ngực trong khi vận động tranh cử ở Milwaukee (ngày 14-10-1912); Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, tổng thống thứ 32, bị ám sát hụt ở Miami (ngày 15-2-1933); Tổng thống Harry Truman, tổng thống thứ 33, bị những người theo chủ nghĩa dân tộc Puerto Rico ám sát hụt (ngày 1-11-1950); Tổng thống Gerald Ford, tổng thống thứ 38, bị bắn hụt ở Sacramento (ngày 5-9-1975).
Cũng trong năm này, Tổng thống Ford đối mặt với 2 vụ ám sát trong vòng 1 tháng; Tổng thống Ronald Reagan bị bắn trọng thương khi ông vừa xong bài phát biểu, bước ra khỏi Khách sạn Hilton ở Washington (ngày 30-3-1981); Tổng thống George HW Bush (Bush cha) thoát được vụ ám sát trong chuyến thăm Kuwait (ngày 26-6-1993).
Với vụ ám sát hụt cựu tổng thống Donald Trump ngày 13-7 tại một cuộc vận động tranh cử đông đúc ở Pennsylvania, chính trường nước Mỹ một lần nữa lại gây chấn động thế giới sau nỗ lực ám sát tổng thống Mỹ cuối cùng xảy ra cách đây hơn 40 năm.
Gợi nhắc về lịch sử
Nhà khoa học chính trị có uy tín Richard Herr nhận định, sự chia rẽ sâu sắc của xã hội Mỹ những năm gần đây rất giống với sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ vào những năm 1960.
Hãng tin ABC dẫn lời Giáo sư Wesley Widmaier, chuyên gia người Mỹ về các vấn đề quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia, cũng cho rằng, nước Mỹ tạo cảm giác như đang quay trở lại những năm 60. Trước những năm 1960, đã có rất nhiều vụ ám sát tổng thống Mỹ, nhưng những biến cố này diễn ra trong nhiều thập niên và có vụ ám sát đã thay đổi tiến trình lịch sử nước Mỹ, điển hình là vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln - vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ.
Theo The Conversation, ở một đất nước có số lượng súng nhiều hơn dân số và súng đạn dễ kiếm, không có gì ngạc nhiên khi nổ súng là hình thức được những kẻ thủ ác ưa chuộng để nhắm tới các chính trị gia. Hầu hết các vụ ám sát xảy ra trong lúc các chính khách ở nơi công cộng với đám đông người xung quanh, và phần lớn các vị lại rất ít khi nghe theo lời khuyên của cố vấn an ninh. Trường hợp ông Donald Trump được đánh giá là vô cùng may mắn khi thoát chết và chỉ bị thương nhẹ.
Cũng có những nhân vật khác có quyền lực chính trị đáng kể - mặc dù không được bầu - cũng đã mất mạng vì súng đạn. Đáng chú ý nhất là luật sư Martin Luther King Jr. bị ám sát vào năm 1968, chỉ vài tháng trước khi ông Bobby Kennedy qua đời. Vụ ám sát đã đẩy đảng Dân chủ đến bờ vực khủng hoảng tại đại hội chính trị của đảng vào mùa hè năm đó.