“Cơ chế hòa giải, đối thoại hiện đang được quy định trong các đạo luật, gồm: Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Khiếu nại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Còn cơ chế hòa giải, đối thoại trong dự thảo luật là cơ chế mới so với các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có, được thực hiện sau khi tòa án nhận đơn khởi kiện và do các hòa giải viên, đối thoại viên tiến hành. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật chưa xác định rõ bản chất pháp lý của cơ chế mới này”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích và cho biết, luật sẽ có tác động tích cực cho xã hội, nhưng tòa án sẽ vất vả hơn nhiều.
Tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH và đại diện các bộ, ngành tham gia góp ý đều đồng ý với sự cần thiết của luật, đồng nghĩa với việc đồng ý cho ra đời “một cơ chế hòa giải linh hoạt, mềm mại và đỡ tốn kém hơn đối với các vụ án hành chính và dân sự, thay vì kiện tụng nhau vô cùng mệt mỏi, thậm chí khá bế tắc”.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích: “Về bản chất, đây là hòa giải ngoài tố tụng, trước khi tòa án thụ lý. Vì sao là tại tòa án, vì có sự tham gia của tòa án trong quá trình hòa giải này. Vai trò của tòa là gì? Tòa án làm 2 việc: thứ nhất là điều hành, quản lý việc hòa giải; thứ hai là công nhận kết quả, vì nó có giá trị pháp lý như một bản án. Khác với hòa giải ở cơ sở không có hiệu lực thi hành bắt buộc, hòa giải này có hiệu lực thi hành bắt buộc”.
Ông Bình nêu ví dụ có trường hợp 2 anh em tranh chấp đất đai, đã chấp nhận hòa giải thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào kết quả hòa giải đã được công nhận đó để cấp sổ đỏ. Hòa giải còn giúp giữ được bí mật vì không cần ra tòa hay “đăng báo”…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, hòa giải, đối thoại tại tòa án là một cơ chế “vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính xã hội”, và có tính nhân văn cao, dù có trường hợp “không hoàn toàn đúng pháp luật”. “Gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng có nhắc “việc dân sự cốt ở các bên”, nên đề cao nhất nguyên tắc tự nguyện. Có luật mới, nếu đương sự đồng ý thì thẩm phán ra quyết định hòa giải, không phải tố tụng, không phải đăng báo gì cả, giữ được bí mật kinh doanh và bí mật đời tư”, ông Nguyễn Khắc Định nói.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh sự phi lý khi một nước nổi tiếng thích kiện tụng như Mỹ có tỷ lệ hòa giải tại tòa rất cao (trên 90%), trong khi nước nổi tiếng ưa chuộng hòa bình như Việt Nam lại có tỷ lệ hòa giải rất thấp.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, cơ chế này muốn thành công cần có sự chân thành của tòa án. Ông Ngọc phân tích: “Rất khó hiệu quả nếu không có sự thực tâm của tòa án. Đưa ra một quy trình lấy đi công việc của tòa thì các thẩm phán có thực sự mong muốn không?”. Bên cạnh đó, có 2 yếu tố rất cần thiết khác là việc áp dụng phải thống nhất và các bên tham gia phải rất chuyên nghiệp, đặc biệt là hòa giải viên.
Kết thúc nội dung này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã tiếp thu nhiều góp ý của UBTVQH và đại diện các bộ ngành về thủ tục như: tập huấn, cấp chứng chỉ cho hòa giải viên; có cần phải Chánh án tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm hòa giải viên không; có cần yêu cầu kinh nghiệm 10 năm mới được làm hòa giải viên không...
Cùng ngày, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.