Cách đây 4 năm, trong một lần trò chuyện với thầy hiệu trưởng của một trường khá “hot” tại quận 7, thầy chia sẻ với một giọng đầy tự hào: “Năm nay khối 4 trường mình có 3 học sinh yếu”.
Khi được hỏi, vì sao có học sinh yếu mà thầy có vẻ tự hào vậy? Thầy hiệu trưởng trả lời: “Thực ra, năm nào các khối học cũng có học sinh yếu, nhưng để đánh giá các em yếu là cả vấn đề. Từ xem xét có ảnh hưởng đến tâm lý các em hay không? Có ảnh hưởng đến thành tích của lớp, của trường hay không…? Nên giáo viên và hiệu trưởng chịu rất nhiều áp lực khi đánh giá học sinh”.
Cũng theo thầy hiệu trưởng này, vì áp lực thành tích mà tại không ít trường, giáo viên, hiệu trưởng phải bấm bụng cho các em lên lớp, xếp thành tích của học sinh không đúng với năng lực của các em.
“Không lẽ vì một vài học sinh yếu mà để ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Rồi vì một vài lớp để ảnh hưởng đến thành tích toàn trường. Vì trường mà ảnh hưởng đến thành tích của quận, của thành phố…Do đó, để đi đến quyết định đánh giá năng lực thật của học sinh là cả một sự can đảm của giáo viên và nhà trường”.
Khi câu chuyện này được chia sẻ với một số giáo viên, hầu hết đều tâm tư và thừa nhận sự thật trên. Nhưng hầu hết giáo viên đều không muốn đưa tên của mình khi trình bày quan điểm về vấn đề này.
Một giáo viên lớp 4 tại quận 10 chia sẻ: “Trong lớp tôi, có phụ huynh lên xin cho con ở lại lớp thì giáo viên phải động viên phụ huynh để cho trò được lên lớp, năm sau giáo viên chủ nhiệm sẽ tiếp tục kèm cặp để em theo kịp chương trình”.
Rồi cũng có trường hợp, phụ huynh năn nỉ giáo viên cho con mình lên lớp, vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý các em. Sợ các em tự ti, mất tự tin vì thua sút chúng bạn.
Vì sao có hiện tượng trên, có lẽ là do học sinh yếu, kém, ở lại lớp là cá biệt. Với những người thuộc thế hệ 7X, 8X của thế kỷ trước đều nhớ, trong lớp cùng lắm có vài học sinh giỏi, đa số là khá và trung bình. Mỗi lớp cũng có vài học sinh yếu, thậm chí phải ở lại lớp. Còn hiện nay, do các em có điều kiện học tập tốt hơn, được gia đình, xã hội và nhà trường quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, kiến thức…nhiều hơn nên khả năng tiếp thụ kiến thức của các em hơn hẳn các thế hệ trước. Chính vì vậy số học sinh giỏi ngày nay nhiều hơn là điều hẳn nhiên. Nhưng một lớp toàn học sinh giỏi và khá, cả trường cũng chỉ học sinh giỏi, khá, lác đác vài em trung bình. Rồi cả tỉnh, thành phố 80%-90% học sinh giỏi, khá… xem ra cũng chưa thuyết phục.
Là phụ huynh có con học lớp 7, từ khi cháu lên cấp 2, năm nào trong ngày họp phụ huynh học sinh đầu năm, tôi đều gặp giáo viên chủ nhiệm để nhờ: “Nhờ thầy cô đánh giá đúng năng lực của trò để phụ huynh có phương pháp phù hợp. Nhiều khi nhắc cháu học, cháu nói con là học sinh giỏi rồi, ba mẹ cứ yên tâm. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì con tôi chưa đến mức là học sinh giỏi”.
Vì vậy, khi nghe chia sẻ của thầy hiệu trưởng, tôi cảm nhận được sự can đảm của thầy và nhà trường. Thành tích là những thành quả tích cực chúng ta tạo được, chứ không phải bằng ngụy tạo những con số. Đặc biệt trong nhà trường, nơi ươm mầm tương lai đất nước. Các em sẽ ra sao khi biết và nhiễm cách có thành tích bằng ngụy tạo. Vẫn biết đây chỉ là số ít, nhưng cần triệt tiêu tận gốc căn bệnh thành tích, nhất là trong môi trường giáo dục, đấy cũng là vì tương lai của đất nước.
Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn |