Những cái tên triệu USD
Mới đây, startup JupViec.vn vừa gọi vốn thành công từ STI Holdings - công ty có trụ sở tại Việt Nam, từng đầu tư vào rất nhiều startup (24h.com.vn, AnyCar, 30Shine…). Giá trị khoản đầu tư không được 2 bên tiết lộ nhưng con số triệu USD là trong tầm ngắm.
JupViec.vn hoạt động từ năm 2012, là nền tảng kết nối nhu cầu giữa người giúp việc và khách hàng thông qua ứng dụng điện thoại. Khách hàng có thể tìm kiếm và lựa chọn người giúp việc theo yêu cầu một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Startup này được đánh giá đã thay đổi toàn bộ ngành giúp việc truyền thống khi áp dụng công nghệ trong tuyển dụng, đào tạo, quản lý người lao động; tạo ra một mô hình mới - giúp việc theo giờ thời công nghệ, giải quyết được hầu hết các khó khăn cho gia chủ; đồng thời người lao động cũng được sàng lọc, đào tạo đủ tiêu chuẩn trước khi cung ứng.
Hay như Tập đoàn FPT của Việt Nam và Tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật SBI Holdings đã cùng thành lập và đầu tư 3 triệu USD vào startup Utop - một ứng dụng kết nối mạng lưới DN, quản lý, hoán đổi điểm thưởng.
Đình đám trong gọi vốn triệu USD phải nói đến Elsa Speak, là ứng dụng học nói tiếng Anh ra đời năm 2015, do nữ CEO Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập.
Từ hồi tháng 2-2019, Elsa đã gọi vốn thành công 7 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Gradient Ventures - quỹ chuyên dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) của Google. Tính đến nay, tổng số tiền huy động được của startup này là 12 triệu USD.
Cánh cửa tiếp tục mở
Vừa qua, thông tin Grab triển khai Grab Ventures Ignite (chương trình tăng tốc khởi nghiệp dành cho các startup giai đoạn đầu tại Việt Nam) với tổng giải thưởng có giá trị lên đến hơn 1 triệu USD. Đây cũng là một tin vui cho giới startup.
Theo chương trình này, Grab Ventures Ignite khuyến khích các startup công nghệ trong lĩnh vực công nghệ di động, thực phẩm, thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử hoặc AI tham gia.
CEO Grab Việt Nam Nguyễn Thái Hải Vân cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, các trung tâm khởi nghiệp đang mở rộng ra khắp cả nước.
Thông tin tại hội thảo “Kết nối và phát huy các nguồn lực để startup Việt nhìn ra thế giới” tại TPHCM mới đây, tổng nguồn vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2019 lên đến hơn 800 triệu USD.
Đáng chú ý là chất lượng startup của Việt Nam ngày càng tốt hơn nên tỷ lệ đầu tư thành công cho các startup tại Vietnam Silicon Valley đạt khoảng 36% - 40%.
Đây là tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Số vốn đầu tư cho các ý tưởng startup cũng đã tăng gấp 5 lần trong 7 năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2019, số lượng nhà đầu tư cho các startup Việt Nam đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 2018.
Liên quan đến vấn đề cải thiện môi trường đầu tư và thúc đẩy startup. Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành liên quan rà soát lại tất cả thủ tục theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các vấn đề liên quan đến quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, thúc đẩy đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo…
Tại TPHCM cũng cần nhắc đến cái tên Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (SIHUB). Trong 3 năm hoạt động, SIHUB đã chứng kiến và trực tiếp hỗ trợ gần 30 nhóm startup kêu gọi vốn thành công theo phương thức liên kết ươm tạo với đối tác quốc tế, phần nhiều trong số đó mới chỉ đi lên từ ý tưởng và sản phẩm sơ khai, điển hình như: Abivin, Nami, Logivan, Gcalls, Ami, CLAS Healthcare, Remit... Các startup Việt cần hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm lẫn đầu tư đều có thể đến đây tìm kiếm. |