Theo Reuters, Mỹ, Anh, Australia và nhiều nước khác đã chỉ trích quyết định của Tổng thống M.Sirisena và kêu gọi ông tôn trọng nền dân chủ. Ông M.Sirisena giải tán quốc hội chỉ 5 ngày sau khi cơ quan này tái nhóm họp, bất chấp lệnh đình chỉ trước đó của ông. Tổng thống Sirisena cũng đã kêu gọi tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5-1-2019.
Sri Lanka lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống M.Sirisena sa thải Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vào cuối tháng 10 và thay bằng cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa. Tuy nhiên, ông R.Wickremesinghe không chấp nhận lệnh sa thải và được sự ủng hộ của quốc hội với đa số ghế thuộc đảng Quốc gia thống nhất.
Theo các chuyên gia luật Sri Lanka, quốc hội nước này chỉ có thể bị giải tán vào đầu năm 2020, tức là 4 năm rưỡi sau phiên họp đầu tiên; hoặc cũng có thể thông qua trưng cầu dân ý hay đủ 2/3 số nghị sĩ đồng ý giải tán.
Thủ tướng bị bãi nhiệm Ranil Wickremesinghe (G) sau cuộc họp với Hiệp hội báo chí nước ngoài của Sri Lanka, Colombo, ngày 29/10/2018 Ảnh: REUTERS