Quảng cáo rầm rộ trên mạng
Trang Facebook T.B.Spa liên tục đăng livestream quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ với những lời “có cánh”: “Khách nhà em quất luôn nguyên combo (bộ dịch vụ) tiêm má baby, mũi cao và cằm vline. Xinh không tả được, đẹp trong vòng một nốt nhạc”. Kèm theo đó là hàng loạt thông tin khuyến mãi về bộ dịch vụ tiêm filler, nâng sụn mũi, thu gọn cánh mũi, cắt mí mắt…
Dù nhiều lần hỏi thông tin về bác sĩ thực hiện làm đẹp, nhưng chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời qua loa là bác sĩ uy tín, rồi nói sang chuyện khác để đánh trống lảng. Sau đó, người này chốt: “Muốn đẹp thì đừng chần chừ, chỉ mấy triệu đồng mà xinh đẹp hơn, tự tin hơn thì quá xứng đáng. Em chốt ngày rồi đặt lịch trước nhé vì bên mình đông khách lắm”. Chúng tôi hỏi về cơ sở thực hiện quá trình làm đẹp, người này cho biết địa chỉ được ghi rõ trên Facebook.
Chúng tôi tìm tới địa chỉ được niêm yết trên trang T.B.Spa tại đường Nguyễn Đình Chính (phường 11, quận Phú Nhuận, TPHCM). Đây là căn nhà nằm trong một hẻm nhỏ và luôn đóng cửa. Phía trước có biển hiệu spa, nơi cung cấp mỹ phẩm độc quyền của một thương hiệu khá lạ và phía dưới niêm yết rõ các dịch vụ làm đẹp, tuyệt nhiên không có thông tin nào về các dịch vụ như tiêm filler, nâng mũi, cắt mí mắt. Chúng tôi thắc mắc về địa chỉ spa, thì quản lý trang cho biết, cứ đặt lịch, đến giờ hẹn sẽ có người ra cổng đón. Trên Facebook T.B.Spa còn quảng cáo cung cấp các khóa đào tạo học viên, kỹ thuật viên tiêm filler, botox, đồng thời còn có các khóa tiểu phẫu thuật thẩm mỹ... hỗ trợ cấp bằng sau khi hoàn thành khóa học.
Tìm hiểu kỹ thông tin cơ sở làm đẹp
Filler có thành phần là Acid Hyuluranide giống như một chất tự nhiên tồn tại trong cơ thể người, với chức năng làm đầy, giá thành rẻ, đặc biệt không cần sử dụng dao kéo, nên thời gian gần đây filler được sử dụng rộng rãi trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, sử dụng filler để làm đẹp cũng tiềm ẩn nguy cơ liệt cơ mặt, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, có thể gây hoại tử hoặc những biến chứng khó lường khi người tiêm filler vào mạch máu quá liều hoặc filler kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, để cung cấp dịch vụ tiêm filler, các cơ sở thẩm mỹ phải được Sở Y tế cấp phép hoạt động với cơ sở dịch vụ tiêm, thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo áp huyết.
Theo Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ làm các dịch vụ: tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai. Không được phẫu thuật tạo hình nâng ngực, thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể. Đồng thời phải đảm bảo về điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám. Ngay cả các dịch vụ tiêm chất làm đầy filler hay các dịch vụ xâm lấn, đều phải có giấy phép. Còn spa đơn thuần chỉ là cơ sở chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc da, thẩm mỹ không dùng phương pháp phẫu thuật, không gây chảy máu, giấy phép do UBND quận - huyện cấp.
Sở Y tế TPHCM cho biết: Vì hiện nay chưa có quy định và kiểm soát việc cấp phép nội dung quảng cáo các dịch vụ chăm sóc thẩm mỹ trên các website, trang cá nhân mạng xã hội như Facebook, Zalo…, dẫn đến tình trạng quảng cáo một nơi nhưng cung cấp dịch vụ một nẻo để qua mặt cơ quan chức năng. Theo quy định, ngay từ biển quảng cáo phải ghi rõ số giấy phép hoạt động, tên bác sĩ, chuyên môn cụ thể, chứng chỉ hành nghề của Sở Y tế cấp. Người có ý định đi làm đẹp cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh tiền mất tật mang.