78% đơn thư phản ánh liên quan đến thẩm mỹ
Tại hội nghị, BS Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, mỗi năm, cơ sở này tiếp nhận từ 200-500 trường hợp gặp sự cố y khoa trong thẩm mỹ nội khoa. Trong đó, 69% liên quan đến thủ thuật tiêm chích, 16% liên quan đến thủ thuật laser và ánh sáng, 10% do làm đẹp bằng hóa chất... Hầu hết các ca biến chứng được điều trị và phục hồi nhưng cũng có trường hợp bị mù mắt do tiêm filler, không thể cứu chữa. Thống kê của Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng cho thấy, khoảng 77% số ca tai biến xảy ra ở spa và cơ sở thẩm mỹ không phép, 13% do tự thực hiện các thủ thuật tại nhà… Tai biến rất dễ xảy ra khi quá trình thực hiện không đảm bảo vô trùng, người thực hiện không phải bác sĩ thẩm mỹ...
Theo BS-CK2 Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, công tác thanh tra chuyên ngành về các sai phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ gặp rất nhiều thách thức, nhất là tình trạng “lấn sân” y tế của các cơ sở làm đẹp. Hiện nay, TPHCM có 37 bệnh viện thẩm mỹ, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong bệnh viện, 290 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 414 phòng khám chuyên khoa da liễu nhưng có gần 4.900 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phi y tế (chăm sóc da, spa…). Những cơ sở làm đẹp do quận, huyện, Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp giấy chứng nhận kinh doanh.
Đáng chú ý, khoảng 78% đơn thư phản ánh Sở Y tế tiếp nhận có liên quan đến thẩm mỹ trong bối cảnh thẩm mỹ chui gia tăng, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội... Trong 8 tháng đầu năm, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra 120 cơ sở thẩm mỹ, ban hành 136 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt hơn 7 tỷ đồng. Nguyên nhân gốc rễ của việc làm đẹp không an toàn là các cơ sở vì lợi nhuận, không tuân thủ quy định, tình trạng quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, năng lực người hành nghề và quản lý người hành nghề, vấn nạn đào tạo và dạy nghề chui... Bên cạnh đó, quy định pháp luật Việt Nam vẫn còn những khoảng trống, chưa phù hợp với thực tiễn, chế tài, xử phạt chưa đủ mạnh.
6 giải pháp để chấn chỉnh dịch vụ làm đẹp: Kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng; Các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ; Phối hợp với Sở LĐTB-XH TPHCM trong việc quản lý đào tạo, dạy nghề; Phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh; Phối hợp với Công an TPHCM xử lý các vụ việc trọng điểm; Chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý, thông qua Tổ công tác đặc biệt.
BS Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM
Treo bảng đỏ cảnh báo cơ sở bị đình chỉ
Là địa bàn có 87 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 352 cơ sở dịch vụ làm đẹp, quận 10 đối mặt với nhiều phản ánh về hoạt động thẩm mỹ. Theo BS-CK1 Lê Hồng Tây, Trưởng phòng y tế quận 10, năm 2023, địa phương có 68 phản ánh qua ứng dụng Y tế trực tuyến; kiểm tra và đình chỉ hoạt động 24 cơ sở thẩm mỹ, xử phạt 1,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, quận 10 ra quyết định đình chỉ 2 cơ sở.
Từ năm 2023 đến nay, quận 10 xảy ra 10 sự cố y khoa trong lĩnh vực thẩm mỹ, có trường hợp tử vong. Các vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ rất phức tạp. Trước thực trạng trên, UBND quận 10 đã ban hành kế hoạch cao điểm 45 ngày kiểm tra xử lý các cơ sở không phép trong lĩnh vực thẩm mỹ. Quá trình kiểm tra ghi nhận, trong số 330 cơ sở ban đầu chỉ còn 170 cơ sở hoạt động, số còn lại đã đóng cửa hoặc chuyển đi nơi khác. Tỷ lệ cơ sở vi phạm chiếm 24,7% với các lỗi hoạt động khám chữa bệnh không phép, không có giấy phép hành nghề, quảng cáo sai quy định… Để cảnh báo người dân, UBND quận 10 thí điểm mô hình gắn bảng đỏ vi phạm trước các cơ sở thẩm mỹ đang bị đình chỉ hoạt động và giám sát chặt chẽ. Mô hình này nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương và dư luận.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, có nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy nhằm tăng cường an toàn cho người bệnh. Trong đó, người hành nghề phải có giấy phép hành nghề phù hợp, hoạt động trong phạm vi năng lực và chuyên môn, tuyệt đối không vượt quá chuyên môn và gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuân thủ việc báo cáo các sự cố y khoa, cơ sở cung cấp dịch vụ và phẫu thuật viên phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trước mổ,… Ngoài ra, PGS Nguyễn Anh Dũng đề nghị tuân thủ chặt chẽ các quy định về lưu trữ hồ sơ, quảng cáo, vấn đề xử lý vi phạm…
“Những cơ sở thẩm mỹ vi phạm nhiều lần, cố ý thay tên đổi họ, thay đổi mô hình để hoạt động, thách thức pháp luật, chúng tôi đề nghị các cơ quan cần có hình thức xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe”, PGS Nguyễn Anh Dũng đề nghị.
Đặc biệt chú trọng đến gây mê hồi sức
Theo PGS-BS Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội gây mê hồi sức TPHCM, để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ, cần xây dựng văn hóa an toàn theo đúng các quy định đã được ban hành; củng cố hoạt động đào tạo gây mê hồi sức; đào tạo chuyên khoa sâu về gây mê hồi sức cho phẫu thuật thẩm mỹ. Những ca phẫu thuật thẩm mỹ phức tạp, người bệnh lớn tuổi và có bệnh nền cần phải thực hiện tại các bệnh viện lớn.
Cùng quan điểm, TS-BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình TPHCM, khuyến cáo, các bác sĩ gây mê hồi sức phải có chứng chỉ hành nghề, có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, đủ năng lực xử lý khi xảy ra tai biến. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, chỉ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ khi hội đồng chuyên môn và bác sĩ gây mê hồi sức cho phép.