Ngày 24-11, nhà đấu giá trụ sở ở Mỹ cho biết, công ty luôn tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và chỉ đưa ra đấu giá các cổ vật có giấy phép của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Sotheby's thông báo 3 lô sừng tê giác đã bị rút khỏi cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc dự kiến tại Hong Kong vào ngày 29-11 với sự đồng ý của người ký gửi.
Trước đó, nhà đấu giá Bonhams của Anh trong tuần này thông báo hủy đưa ra đấu giá 21 lô trong bộ sưu tập tác phẩm điêu khắc sừng tê giác dự kiến diễn ra ở Hong Kong ngày 27-11 và cũng cam kết không đấu giá sừng tê giác trong tương lai.
Một nhà đấu giá lớn khác là Christie's đã có chính sách không bán bất kỳ vật nào có sừng tê giác.
Theo tổ chức WildAid Hong Kong, 2 nhà đấu giá lớn của Hong Kong là China Guardian và Poly Auction cần phải hành động có trách nhiệm và bền vững bằng cách lập tức chấm dứt bán sừng tê giác trong các cuộc đấu giá.
Đầu tuần này, China Guardian Hong Kong cho biết, công ty có đấu giá sừng tê giác trong gốm sứ Trung Quốc và tác phẩm điêu khắc cổ ít nhất trên 100 tuổi (trước năm 1925) nếu có giấy phép và CITES chứng nhận.
Theo luật Hong Kong, sừng tê giác hoặc sản phẩm sừng tê giác đã có trước khi CITES có hiệu lực vào tháng 7-1975 nếu muốn nhập khẩu và tái xuất phải có giấy tờ, như chứng nhận của nước xuất khẩu trước đó.
Tuy nhiên, việc xác minh các tác phẩm sừng tê giác đòi hỏi phải thử nghiệm carbon tốn kém và kéo dài.
Tê giác bị săn trộm đến mức khủng hoảng ở Nam Phi, nước có số tê giác nhiều nhất thế giới. Tổng cộng 1.028 con tê giác đã bị săn trộm giết ở Nam Phi trong năm 2017, ít hơn 26 con so với năm 2016 nhưng vượt xa số 13 tê giác bị giết trong năm 2007, theo tổ chức theo dõi buôn bán động vật hoang dã Traffic.