Đây tuy không phải là thể loại sách mới nhưng với số lượng và sự đa dạng như vừa qua thì lại là một chuyện lạ.
Nhiều lựa chọn
Cuốn sách Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu có thể xem là một trong những cuốn sách mở đầu trào lưu sách dạy con dù trước đó cũng có không ít cuốn sách cùng đề tài. Điểm làm nên sự đặc biệt của tác phẩm này là nó do một người phụ nữ Việt Nam viết ra sau một thời gian lấy chồng người Do Thái và chuyển qua sinh sống tại Israel. Từ những chứng kiến thực tế, cộng với kiến thức nuôi con của một bà mẹ Việt Nam, tác giả đã có sự so sánh, phân tích giữa hai kiểu nuôi con. Khoan tính tới chuyện đúng sai của tác phẩm nhưng nhờ cách viết cùng các ví dụ trực quan, tác phẩm đã gây sự chú ý nơi bạn đọc và của những người làm sách.
Trên thị trường đã từng có hàng loạt cuốn sách dạy con, từ người Nhật dạy con đến người Mỹ, người Đức, người Anh dạy con, rồi những phương thức dạy con kiểu cổ điển, kiểu hiện đại, kiểu tâm lý học… Dẫu vậy, thời gian gần đây, dòng sách nuôi con bắt đầu lâm vào giai đoạn thoái trào do xuất hiện các luồng thông tin trái chiều cho rằng cần đánh giá lại các loại sách này, nhất là ở góc độ văn hóa. Thế là, những người làm sách bắt đầu quay về với các tác phẩm sách dạy con theo kiểu thuần Việt như Cha mẹ là số phận của con cái: Phương pháp dạy con thuần Việt. Cuốn sách do tiến sĩ Vũ Thu Hương thực hiện, được đánh giá là phù hợp với thực tế giáo dục trẻ em tại Việt Nam hiện nay.
Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con là cuốn sách đặc biệt không chỉ ở cách thể hiện theo kiểu đọc từ hai đầu sách mà còn ở chính tác giả. Sách do hai tác giả thực hiện; người viết phần dành cho phụ huynh là tiến sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên gia tư vấn cho trẻ em, phụ nữ bị bạo hành; phần viết về chống bị xâm hại dành cho bạn đọc nhỏ tuổi do cô bé Trần Lê Thảo Nhi, 9 tuổi, hiện đang học lớp 4 tại TPHCM thực hiện. Theo chuyên gia tâm lý Lan Minh, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn các vấn đề về tâm lý tình cảm cho thiếu nhi, thiếu niên, trở ngại lớn nhất trong vấn đề giáo dục tâm sinh lý cho trẻ em là phụ huynh rụt rè khi nói về vấn đề giới tính, đặc biệt là với những lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học.
Dĩ nhiên không phải lúc nào trẻ em cũng có thể viết sách về những vấn đề như trên, cách làm của cuốn Cẩm nang phòng tránh xâm hại cho con chỉ là một hướng tham khảo. Mới đây, nhà sách Nhã Nam cũng đã giới thiệu đến bạn đọc bộ sách 10 cuốn có nhan đề chung Giáo dục giới tính, với cách thể hiện theo kiểu tự trẻ em dạy trẻ em. Thông qua cách hành văn ngây ngô, dễ thương như chính những người bạn đồng trang lứa trao đổi cùng nhau, bộ sách giúp bạn đọc nhỏ tuổi dễ dàng tiếp cận những vấn đề mà người lớn thường e ngại khi đề cập đến với các em.
Làm sách theo trào lưu
Một thực tế đã và đang xảy ra đối với thị trường sách trong nước, là việc làm sách theo trào lưu. Mỗi trào lưu sẽ cuốn theo nhiều đơn vị làm sách và hệ lụy là xuất hiện tình trạng thiếu hụt bản thảo, thiếu hụt sách hay để xuất bản, phát hành. Từ đó, nhiều tác phẩm có “vấn đề” vẫn được xuất hiện trên các quầy sách.
Thời dòng sách du ký là những cuộc tranh cãi bởi tính chính xác ở một số tác phẩm; đến trào lưu sách hồi ký, tự truyện là việc đụng chạm đời tư cá nhân, câu khách bằng các yếu tố phản cảm… Trào lưu sách dạy con cũng có những vấn đề đáng bàn. Như cuốn sách dạy con theo kiểu Do Thái. Do Thái là dân tộc có đặc thù hoàn cảnh lịch sử nhiều gian nan, có sự nỗ lực và thành công lớn. Tuy nhiên, một số tác phẩm dạy con lại đánh đồng người Do Thái ở Isreal với người Việt Nam khi cùng trải qua chiến tranh để so sánh về việc dạy con, bất chấp khác biệt về văn hóa, hoàn cảnh địa chính trị giữa hai quốc gia. Trên một diễn đàn chuyên dành cho các bà mẹ, một phụ huynh cũng phản ánh về việc cuốn sách dạy trẻ em nổi tiếng của Nhật khuyên nên để trẻ cấp tiểu học tự đi đến trường để tăng tính chủ động cho trẻ.
Người dịch đã nhấn mạnh chi tiết trên và cho rằng phụ huynh Việt quá nuông chiều con ở hành động này. Thế nhưng, ý kiến của dịch giả bị các phụ huynh cho là thiếu hiểu biết bởi đặc thù đô thị Việt Nam khác với Nhật; với tình trạng giao thông nước ta hiện nay, việc để trẻ em tiểu học tự đi đến trường là không khả thi. Trong khi đó, ở nông thôn hoặc các khu vực điều kiện giao thông ít áp lực, việc để con cái tự đi đến trường khi còn nhỏ không hề xa lạ. Cũng chính vì sự khác biệt về quan điểm nói trên mà giới làm sách dạy con đã chuyển qua sử dụng các tác phẩm của tác giả trong nước có tính gần gũi hơn.
Đã có ý kiến của các chuyên gia nhắn gửi đến các bà mẹ đang muốn tìm mua sách dạy con, là thay vì lựa chọn theo kiểu Nhật, Mỹ thì nên chú trọng đến tính thực tiễn, điều kiện cụ thể của mỗi gia đình. Việc áp dụng máy móc các kiến thức trong sách sẽ gây ra những vấn đề tiêu cực cho tâm lý trẻ em. Còn với người làm sách, đã đến lúc cần có sự cẩn trọng hơn trong việc chạy theo những dòng sách có tầm ảnh hưởng đến trẻ em.