Điểm chung lớn nhất của 3 tư lệnh ngành được chất vấn (tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải) là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là chương trình được Chính phủ, Quốc hội kỳ vọng rất lớn vào việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch. Nhưng, thực tế, chương trình đang triển khai chậm. Sự quan tâm, “sốt ruột” trong quá trình triển khai thể hiện trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội khi rất nhiều ĐBQH đề nghị cần phải triển khai nhanh hơn nữa chương trình; 3 ngành có tỷ lệ ĐBQH lựa chọn chất vấn rất cao.
Đồng thời, nội dung này được đề cập nhiều tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước khi Quốc hội khai mạc và tiếp tục được thảo luận tại phiên họp bất thường của UBTVQH ngày 4-6.
Kể từ khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành tại kỳ họp bất thường của Quốc hội ngày 11-1-2022, đến nay, đã gần 5 tháng, Chính phủ vẫn chưa có danh mục cụ thể các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình để UBTVQH cho ý kiến. Sự chậm trễ này phần nào làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai quyết liệt hơn.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 được thực hiện trong giai đoạn 2022-2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn và phát triển. Nhưng, rõ ràng, khâu hạn chế nhất vẫn là tổ chức triển khai thực hiện. Thời gian không còn dài, đòi hỏi các cơ quan liên quan cần khẩn trương hơn và có tiến độ cụ thể trong thực hiện. Bởi, nếu tiếp tục chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời điểm vàng để các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy hiệu quả cao nhất.