Sốt ruột với các dự án “ngàn tỷ”

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) đã hoàn thành hơn 90% khối lượng, nhưng lại tạm ngưng thi công hơn 3 năm nay vì thiếu vốn.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến đến nửa cuối năm 2024 mới có thể đi vào hoạt động
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến đến nửa cuối năm 2024 mới có thể đi vào hoạt động

Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (chủ đầu tư), để hoàn tất công trình cần thêm khoảng 1.800 tỷ đồng. Đây là số tiền mà nhiều ngân hàng, trong bối cảnh “tiền gửi dồi dào” như hiện nay có thể cho vay tốt, song… vấn đề là thủ tục.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã kết nối với chủ đầu tư, nhưng chưa thể cho vay vì dự án chưa được thực hiện đầy đủ các thủ tục về an toàn tài chính theo quy định.

TPHCM đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó có đề nghị Chính phủ cho phép Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM cho vay tiếp tục thi công dự án từ nguồn ngân sách thành phố. Tuy nhiên, việc này muốn làm được, TPHCM cần có sự hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan.

Cũng vẫn là thủ tục! Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trị giá 43.700 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thiện, vậy mà dự kiến đến nửa cuối năm 2024 mới có thể đi vào hoạt động. Dự án này đã chậm tiến độ 6 năm với 4 lần gia hạn thời gian hoàn thành. Trong quá trình thực hiện dự án đã xuất hiện nhiều khó khăn trở ngại không thể lường trước như dịch Covid-19, nhưng cũng có những trở ngại… rất khó hiểu.

Vừa mới đây, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chấp thuận cho phép ban quản lý dự án sử dụng chỉ số giá được Tổng cục Thống kê ban hành trong bối cảnh từ đầu dự án đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành chỉ số giá cho công trình metro. Việc này đã dẫn đến khó khăn trong việc xác định chỉ số giá để tiến hành điều chỉnh giá cho tất cả hợp đồng và hậu quả là ảnh hưởng xấu đến việc giải ngân cho nhà thầu cũng như tiến độ công trình.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 được khởi công năm 2012, nghĩa là đến nay đã hơn 10 năm mà Bộ Xây dựng vẫn chưa bàn hành chỉ số giá theo quy định, kể cũng… khó hiểu?! Trong khi đó, đầu tư hệ thống metro đã được Chính phủ xác định là một trong những giải pháp quan trọng để hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng cho TPHCM, Hà Nội nhằm qua đó giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường. Chưa kể, đây là dự án dùng vốn vay ODA, thêm một ngày chậm đưa vào sử dụng không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn làm phát sinh thêm lãi vay cùng nhiều chi phí khác.

Trên địa bàn TPHCM nói riêng và ở nhiều tỉnh, thành phố nói chung còn không ít dự án “ngàn tỷ đồng” khác nữa chậm được đưa vào sử dụng. Đơn cử như đường cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành - Dầu Giây (Đồng Nai). Dự án này khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công. Gần 10 năm đã qua, thế rồi mới đây dự án được... tái khởi động, sau 4 năm tạm dừng dù đã thi công được 80% khối lượng.

Nguyên nhân chủ yếu ở đây vẫn là các vướng mắc về cơ chế, chính sách nên không thể tiếp tục bố trí vốn thi công. Vậy cơ chế, chính sách, thủ tục ở bộ ngành, địa phương nào uy lực đến mức có thể bắt “đứng bánh” nhiều dự án quy mô lớn đến thế? Và những cơ quan, đơn vị, những cá nhân tạo ra những khó khăn này, sao vẫn có thể “bình chân như vại” sau bao ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp? Nên chăng có một cuộc tổng rà soát lại những bất cập này? Đất nước ta đang bước vào giai đoạn cần nỗ lực hơn bao giờ hết để bước qua “bẫy thu nhập trung bình”, trở thành nước phát triển, do đó không thể chấp nhận được tình trạng nguồn lực có mà không thể hoặc chậm đưa vào đầu tư, phát triển đất nước.

Tin cùng chuyên mục