Ngoài Nam Sơn, tại 2 thôn Lệ Sơn (xã Hòa Tiến) đất đai cũng “nhảy múa” không tưởng. Nếu trước tết đất nơi đây chỉ dao động khoảng 150 triệu - 300 triệu đồng/100 m² (bảng giá đất do TP Đà Nẵng quy định ở khu vực này là 250.000/m²). Tuy nhiên, các nhóm "cò" đã thổi giá đất tăng lên gấp 8-10 lần thành 800 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng một lô đất 100m². Nhiều mảnh đất hoang hóa, trong ngõ hẻm bỏ không lâu nay cũng được rao bán với giá tiền tỷ.
Khảo sát cho thấy, trong những ngày qua, dù có giảm nhưng tình trạng mua bán đất nơi đây vẫn khá sôi động, đồng thời diễn ra tại nhiều thôn khác ở các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, huyện Hòa Vang… lan đến cả các xã Điện Tiến, Điện Hòa… thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Theo ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, nguyên nhân sốt đất trên địa bàn xã thời gian qua chính là xuất hiện tin đồn về việc tách 4 xã của huyện Hòa Vang (gồm Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Tiến) thành quận mới có tên là Hiếu Đức.
“Những tin lan truyền này không chính xác, mục đích tung tin đồn là thổi giá đất lên của giới "cò" để nhằm trục lợi. Người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời đồn không có căn cứ, tránh sập bẫy”, ông Trúc cảnh báo.
Tại các phường Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương… thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cũng chứng kiến giá đất tăng hàng ngày, nhất là khu vực Điện Nam, Điện Ngọc. Chỉ từ sau tết đến nay giá đất đã tăng gấp 3 – 4 lần. Thị trường đất “hỗn loạn” đến mức lãnh đạo 2 địa phương là huyện Hòa Vang và thị xã Điện Bàn phải gấp rút ban hành những văn bản để cảnh báo về các thông tin sai lệch, đồn thổi. Mới đây, huyện Hòa Vang đã ban hành văn bản số 335/UBND-TNMT thông báo đến 11 xã trên địa bàn huyện tuyên truyền cho người dân cảnh giác với giới “cò” đất đổ xô về các vùng nông thôn “hét” giá nhằm tạo ra cơn sốt đất ảo.
Với thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, những thông tin về việc khởi động lại dự án làng đại học hay thúc đẩy xây dựng khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, mở rộng TP Đà Nẵng… đã trở thành chiêu trò để giới đầu cơ đẩy giá lên.
Ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, tất cả dự án tại Điện Nam – Điện Ngọc chỉ mới bắt đầu, phía trước còn rất nhiều thủ tục cần hoàn tất như vốn, giải tỏa đền bù…
“UBND thị xã Điện Bàn đã đề nghị UBND tỉnh việc quy hoạch trung tâm đô thị hành chính mới đại học Điện Nam - Điện Ngọc diện tích khoảng 190 ha. Nhưng trước mắt phải có khu ở mới 130 ha thì mới quay lại giải phóng mặt bằng làng Đại học được vì phải di dời hơn 1500 hộ dân ở đây vào khu mới. Sau khi làm quy hoạch xong thị xã sẽ báo cáo UBND tỉnh để trình Chính phủ tìm nguồn vốn đầu tư. Nói chung, trước mắt phải giải quyết khu tái định cư sau đó mới quay lại giải tỏa làng đại học. Nếu không làm được chuyện đó thì dự án làng đại học rất khó thành hiện thực, nên dự án này cần rất nhiều thời gian, do đó hãy cẩn thận trước thông tin về dự án làng đại học khởi động nhằm đẩy giá đất lên”, ông Úc cảnh báo.
Thực tế, người dân không chỉ bị mua đất với giá ảo từ các cò và các ki ốt giao dịch mà nhiều dự án dù không được cấp phép nhưng chủ dự án vẫn thực hiện chuyển quyền sử dụng đất. Mới đây, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản yêu cầu dừng các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất với 3 dự án của Công ty Bách Đạt An gồm: Bách Đạt 1, 7B mở rộng và HEARA COMIPLEX RIVERSIDE ở Khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn.